1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chính quyền điện tử ở Quảng Ninh: Khó chồng khó từ những ngày đầu

(Dân trí) - Có thể nói, đến nay sau 5 năm thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh đã chạm ngưỡng thành công. Tuy nhiên những ngày đầu thực hiện đề án này, tỉnh đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Chính quyền điện tử ở Quảng Ninh: Khó chồng khó từ những ngày đầu - 1

Để người dân tìm đến với Trung tâm Hành chính công lúc đầu không đơn giản.

Người dân ngại tiếp cận, cán bộ thì lừng chừng…

Xây dựng chính quyền điện tử được coi là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính nhưng việc triển khai chưa mang tính tổng thể; cách thức triển khai vẫn còn đang ở thời kỳ đầu, chưa có điển hình thành công để làm căn cứ, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện…nên rất nhiều địa phương còn lần chần chưa dám quyết.

Ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã xác định xây dựng chính quyền điện tử là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Ngày 28/9/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2459/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử giai đoạn 2012-2014. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh bắt tay vào triển khai, thực hiện giai đoạn 2 của Đề án.

Theo tỉnh Quảng Ninh, việc thực hiện Đề án là nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh hướng tới phát triển chính quyền điện tử.

Mặt khác việc thực hiện Đề án còn góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT rộng rãi trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước; lấy người dân làm trung tâm, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để nâng cao hiệu quả nhà nước, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả.

Chính quyền điện tử ở Quảng Ninh: Khó chồng khó từ những ngày đầu - 2

Không phải ngay từ đầu cán bộ nào cũng hào hứng khi được phân công làm việc tại Trung tâm hành chính công bởi e ngại bị gò bó, kiểm soát...

Việc đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử ở cả cán bộ công chức nhà nước, người dân và doanh nghiệp và việc xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công và cải cách thủ tục hành chính cũng là mục tiêu của Đề án này.

Tuy nhiên, theo ông  Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu lớn lao, quyết tâm thực hiện như vậy nhưng ngay từ khi bắt đầu thực hiện đề án, tỉnh đã vấp phải không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên chính là vấn đề tư tưởng của cán bộ: Một bộ phận muốn thực hiện để đổi mới, phát triển…; nhóm thứ hai thờ ơ, không mặn mà có thể do e ngại lợi ích bị đụng chạm, quyền lợi bị giảm; nhóm thứ ba là làm cũng được, không làm cũng không sao.

Cũng theo ông Đặng Huy Hậu, cái khó còn đến từ vấn đề khi đi vào thực hiện, người trẻ tiếp cận khá nhanh nên hào hứng còn người có tuổi ngại vì tiếp cận chậm. Thậm chí nhiều cán bộ khi được phân công làm việc tại Trung tâm hành chính công còn tỏ ra không mặn mà vì cho rằng bí bách, bó buộc, bị camera “soi” suốt thời gian làm việc…

Ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết, khó khăn còn đến từ việc cán bộ tiếp cận với CNTT còn yếu. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cũng rất khó vì mất thời gian và nguồn kinh phí lớn. “Cụ thể như dữ liệu về đất đai chưa làm xong, đang triển khai và mới xong ở hai đơn vị Cẩm Phả và Uông Bí nên việc thủ tục đất đai rất khó, phải đi đo, vẽ lại…”, vị cán bộ này nói.

Vị cán bộ này cho biết thêm, việc người dân ngại thay đổi thói quen, hồ nghi về những hiệu quả thiết thực mà chính quyền điện tử mang lại cũng là một trong những khó khăn trong việc thực hiện.

Chính quyền điện tử ở Quảng Ninh: Khó chồng khó từ những ngày đầu - 3

Còn theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khó khăn quả nhiên không ít. Đơn cử có những công nghệ, phần mềm Việt Nam chưa làm, chưa có nên phải đưa từ nước ngoài về để áp dụng. Tuy nhiên quy trình này cũng mất rất nhiều thời gian, công sức và tốn kém. Chưa kể người Việt Nam nói chung chưa có thói quen tiếp cận CNTT mọi lúc, mọi nơi và tiếp cận một cách nhanh nhất.

“Về cơ bản Quảng Ninh trong mấy năm đầu thực hiện vô cùng khó khăn”, ông Hậu chia sẻ.

Hệ thống cần phải hoàn thiện, nâng cấp

Theo Ban Quản lý điều hành Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh Quảng Ninh, không chỉ khó khăn đến từ yếu tố con người mà do những ngày đầu, việc xây dựng CQĐT còn rất mới nên một số hệ thống như thuế, tư pháp, quản lý doanh nghiệp; một số thủ tục liên thông với các bộ, ngành Trung ương chưa tích hợp được với hệ thống CQĐT để đảm bảo tính thống nhất, liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Số lượng nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến sau mấy năm đầu thực hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng hồ sơ tiếp nhận tại các trung tâm hành chính công và bộ phận “tiếp nhận và trả kết quả hiện đại”. Đây là con số quá thấp dù hệ thống cổng dịch vụ công http://dichvucong.quangninh.gov.vn đã được đưa vào khai thác từ ngày 1/7/2016.

Bên cạnh đó, các phần mềm ứng dụng trong hệ thống CQĐT thời kỳ đầu còn khó sử dụng trên thiết bị điện thoại thông minh, iPad, nên chưa đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng của người dùng. Hệ thống mạng diện rộng (WAN) mới được triển khai tới cấp huyện, còn cấp xã kết nối với CQĐT qua mạng internet, nên chưa đảm bảo về tốc độ và bảo mật.

Chính quyền điện tử ở Quảng Ninh: Khó chồng khó từ những ngày đầu - 4

Tại một cuộc họp vào tháng 6/2018, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc thực hiện Đề án cơ bản là thuận lợi nhưng vẫn còn khó khăn cần phải nỗ lực hơn (ảnh: báo Quảng Ninh).

Việc khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công trực tuyến chưa cao... do trình độ sự dụng máy tính, in ternet, nhận thức… của người dân còn hạn chế. Công tác truyền thông về CQĐT đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao,

Việc tỉnh phải đối mặt với khó khăn cũng không phải chỉ trong thời gian đầu. Cho tới tháng 6/2018, tại cuộc họp đánh giá mức độ chính quyền điện tử các sở ngành, cấp huyện và cấp xã tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu cũng từng chỉ ra rằng, nhìn chung mức độ ứng dụng hệ thống CQĐT tại các cơ quan, đơn vị có tăng so với năm trước; cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT cơ bản đã đáp ứng, phục vụ được việc xây dựng CQĐT; ứng dụng hiệu quả CQĐT đã góp phần giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của tỉnh tới người dân và doanh nghiệp… Tuy nhiên, kết quả cho thấy điểm trung bình của các đơn vị, địa phương chưa cao, mới ở mức khá. Thang điểm giữa các đơn vị đứng đầu và các đơn vị phía cuối ở từng cấp vẫn còn sự chênh lệch lớn.

An Nhiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm