Chính phủ thống nhất cho TPHCM thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đột phá
(Dân trí) - Thường trực Chính phủ cơ bản đồng tình với đề xuất trong Đề án xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, cho TP HCM thí điểm áp dụng cơ chế BOT, BT đối với một số lĩnh vực cần chính sách đặc thù.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TPHCM về Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 54).
Theo đó, Thường trực Chính phủ cơ bản đồng tình với các đề xuất của TPHCM và các bộ, cơ quan đã góp ý về đề án xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Tuy nhiên, trong việc triển khai xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Thường trực Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát tư tưởng chỉ đạo; tập trung trọng điểm, ngắn gọn, súc tích, khả thi, hiệu quả và bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị…
Trong đó, việc triển khai xây dựng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tư duy mạch lạc, rõ ràng. Thể hiện tính đột phá, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, giải quyết những vấn đề lớn, vướng mắc, tồn tại, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, tạo động lực mới cho TPHCM phát triển.
Các cơ chế, chính sách cần bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của TPHCM mà pháp luật hiện hành chưa quy định hay có quy định mà không phù hợp. Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền hơn cho TPHCM, gắn với phân bố nguồn lực, kiểm tra, giám sát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi.
Có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số... Thu hút nguồn nhân lực chất lượng thông qua các chế độ, chính sách thỏa đáng, tương xứng, có tính khuyến khích.
Thường trực Chính phủ cũng thống nhất chủ trương cho TPHCM thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá về phát triển TOD (Transit Oriented Development - lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán), thu hút nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với một số đường hiện hữu, áp dụng hợp đồng BT cho các lĩnh vực, chính sách đặc thù phát triển Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM. Triển khai đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao phối hợp với TPHCM tiếp thu các ý kiến để khẩn trương rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo sự thống nhất cao, triển khai đúng tiến độ.
Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định dự thảo nghị quyết theo quy định; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo quy định, đảm bảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Ngoài ra, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương, chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, trọng tâm, trọng điểm giải quyết các điểm nghẽn, tạo không gian phát triển mới cho TPHCM theo đúng định hướng của Bộ Chính trị...