Thủ tướng: "Kỷ luật trường hợp thờ ơ, vô cảm trong hỗ trợ xóa nhà tạm"

Hoài Thu

(Dân trí) - Phê bình 2 bộ và 9 địa phương vì chậm thực hiện nhiệm vụ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng yêu cầu xem xét xử lý, kỷ luật những trường hợp thiếu trách nhiệm, vô cảm trong thực hiện.

Quan điểm chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu kết luận phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chiều 12/1.

Thủ tướng đánh giá cao các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung huy động nguồn lực, tổ chức triển khai hiệu quả và đạt nhiều kết quả thiết thực, trong đó nhiều địa phương đã đặt mục tiêu về đích sớm hơn so với kế hoạch của Trung ương.

Thủ tướng phê bình 2 bộ và 9 địa phương

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng 84.888 căn hộ và cả nước còn khoảng 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cần tập trung xây dựng, sửa chữa để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025.

Thủ tướng: Kỷ luật trường hợp thờ ơ, vô cảm trong hỗ trợ xóa nhà tạm - 1

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Dù đạt nhiều kết quả, song người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế.

Ông phê bình Bộ Xây dựng chưa ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát, đôn đốc thống kê người có công đang khó khăn về nhà ở.

Bộ Tài chính cũng bị Thủ tướng phê bình vì chưa ban hành hướng dẫn phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm 5% chi ngân sách thường xuyên năm 2024 và phân bổ vốn sự nghiệp năm 2025 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng phê bình 9 địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm chưa cao, chưa ban hành kế hoạch hành động gồm: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lai Châu, Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Hậu Giang.

Theo tính toán của lãnh đạo Chính phủ, để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 700 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 12 căn/ngày.

Thủ tướng: Kỷ luật trường hợp thờ ơ, vô cảm trong hỗ trợ xóa nhà tạm - 2

Toàn cảnh phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng cho rằng về khách quan, đây là chương trình lớn, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương và phải triển khai trên quy mô rộng trong thời gian ngắn, nhiều đối tượng hỗ trợ ở các địa bàn khó khăn.

Về nguyên nhân chủ quan, một số quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, rõ ràng gây khó khăn trong triển khai trên thực tế, nhất là các địa phương (cấp huyện, cấp xã).

Một số bộ, cơ quan chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, một số còn máy móc, thiếu sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện và còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực hỗ trợ của Trung ương.

"Nhiệm vụ nặng nề mấy cũng phải làm"

Quán triệt việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình; tăng cường tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ.

Thủ tướng: Kỷ luật trường hợp thờ ơ, vô cảm trong hỗ trợ xóa nhà tạm - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng trước hết yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; cập nhật hằng ngày tình hình, kết quả triển khai chương trình trên cả nước.

Bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, tấm gương điển hình, Thủ tướng chỉ đạo xem xét xử lý, kỷ luật những trường hợp chậm tiến độ, không tích cực, thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Thủ tướng: Kỷ luật trường hợp thờ ơ, vô cảm trong hỗ trợ xóa nhà tạm - 4

Phiên họp được trực tuyến tới điểm cầu ở các địa phương (Ảnh: Đoàn Bắc).

Với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phải ban hành ngay trước ngày 15/1, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ nhà ở đối với người có công; cung cấp số liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ nhà ở (xây mới, sửa chữa) năm 2025.

Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/1.

Khẳng định hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, Thủ tướng nói nhiệm vụ này nặng nề mấy cũng phải làm, khó khăn mấy cũng phải vượt qua, phức tạp mấy cũng phải xử lý để làm việc với tất cả tấm lòng, trái tim và khối óc của mình.

Chuyển toàn bộ kinh phí trợ cấp cho người có công trước Tết

Nêu thêm ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng với nhà của người có công, nếu không thay đổi tư duy, cách làm sẽ không thể hoàn thành trong năm 2025.

Theo Bộ trưởng, việc đầu tiên là Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND các tỉnh ngay và trong tuần tới, Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm về số liệu của mình. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và nếu đã thẩm định sẽ không thay đổi số liệu nữa.

Sau khi chốt số liệu, Bộ trưởng Xây dựng sẽ chủ trì cùng Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tiền ngay cho các địa phương. "Đối tượng người có công, làm nhà ở phải làm sớm ngay từ đầu năm nay", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

Về việc nâng trợ cấp đối với người có công 35,7% từ 1/7/2024, Bộ trưởng cho biết chương trình này hiện nay chưa được các địa phương triển khai, người có công có ý kiến nhiều.

Trên cơ sở nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng đã có quyết định, Bộ trưởng Tài chính đã có văn bản hướng dẫn và Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quyết định phân bổ chính thức toàn bộ kinh phí này cho các địa phương.

Do đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải chuyển toàn bộ kinh phí phần 35,7% này cho người có công trước Tết và đề nghị ứng toàn bộ trợ cấp tháng 1, tháng 2 cho người có công trước Tết, không để tiền và quà của người có công sau Tết mới cấp.