1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Chính phủ khóa tới sẽ tinh giản một số Bộ”

(Dân trí) - “Không có gì là dễ dàng vì tâm lý khi ghép vào là nhiều người mất vị trí. Ngăn trở lớn nhất của cải cách chính là việc động chạm tới từng tổ chức, từng con người...” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nói về những thách thức của quá trình tinh giản các cơ quan Chính phủ.

Bộ Nội vụ vừa được Chính phủ giao chuẩn bị đề án về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kì Quốc hội khóa XII. Tinh thần của đề án là sẽ thực hiện tinh giản các Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ trên cơ sở làm rõ chức năng quản lí nhà nước.

 

Bên lề cuộc hội thảo “Cải cách hành chính để hội nhập và phát triển”, ông Thang Văn Phúc đã có cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh đề án trên.

 

Tới đây việc thực hiện thu gọn các Bộ sẽ được thực hiện trên quan điểm nào, thưa ông?

 

Có thể thấy những nước châu Âu cơ cấu cũng chỉ có 12-13 Bộ, trong khi đó, các nước khác có khoảng trên dưới 20 Bộ. Nhưng quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ của họ cũng đã có thời gian vài ba trăm năm...

Chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn việc thay vì trước đây Chính phủ quản lý cả về vĩ mô và vi mô thì bây giờ xác định chính phủ chỉ quản lý vĩ mô toàn xã hội thông qua việc sử dụng các công cụ để quản lý chung.

 

Như vậy, rõ ràng là có sự thay đổi. Trước đây, chúng ta “vừa đá bóng vừa thổi còi”, “vừa đẵn vừa vác” có nghĩa là vừa làm chính sách vừa tổ chức thực hiện. Giờ đây, chúng ta phải tách bạch được vấn đề này ra và đây chính là mục tiêu của cải cách hành chính.

 

Yêu cầu hàng đầu hiện nay là làm rõ chức năng. Chính phủ từ nay sẽ làm đúng việc của mình, còn lại việc nào có thể giao cho các dịch vụ công, thay vì nhà nước trực tiếp làm thì sẽ chuyển giao sang các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị khác thực hiện. Nhà nước chỉ làm những việc gì mà xã hội không thực hiện được.

 

Ông có thể nói cụ thể hơn?

 

Các tổ chức không phải của Chính phủ trực tiếp quản lý sẽ lớn lên còn cơ cấu chính thức bên trong bộ máy lại nhỏ đi. Ví như chúng ta xác định chức năng chủ yếu của Chính phủ là làm chính sách, làm pháp luật, làm cơ chế, làm tiêu chuẩn chung của xã hội, sau đó hướng dẫn xã hội, thanh tra, kiểm soát nó.

 

Những mảng chuyển giao cho xã hội, doanh nghiệp làm là rất lớn. Chẳng hạn tới đây, việc công nhận một ông kĩ sư hành nghề xây dựng thì không nhất thiết phải là Bộ Xây dựng làm mà có thể chuyển giao cho Tổng hội xây dựng, việc của Bộ Xây dựng chỉ là định ra tiêu chuẩn của một kĩ sư. Việc cấp thẻ nhà báo, chứng chỉ hành nghề luật sư cũng tương tự… Và như thế, tự nhiên bộ máy hành chính sẽ nhỏ đi, có thể tổ chức lại, ghép lại rất nhiều cơ cấu để thực hiện công việc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

 

Việc này đã được thể hiện từ Nghị quyết TƯ 7 khóa VIII (1999) và hiện chúng ta đang tiếp tục thực hiện chủ trương đó.

 

Chủ trương Bộ quản lý đa ngành theo như ông vừa nói là có từ 1999 và từ đó đến nay đã khá dài, thưa ông?

 

Từ năm 1999 đến năm 2002, khi sắp xếp, tổ chức chính phủ mới chúng ta đã giảm nhiều, từ lúc có 49 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, sau đó chỉ còn 39. Chúng ta cũng xác định lại chức năng của các tổ chức thuộc Chính phủ, ví dụ Ban cơ yếu, Tổng cục du lịch, Tổng cục thống kê trước là độc lập nhưng chúng ta đã ghép, nhập lại. Sắp tới cũng sẽ hướng như thế để làm sao các cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ chỉ còn lại như Đài truyền hình, Đài tiếng nói, Thông tấn xã… Còn những đơn vị trực thuộc Chính phủ mà có tính quản lý nhà nước, ví như Ban tôn giáo, Ban cơ yếu… sẽ được nhập vào các bộ ngành khác để đảm bảo tinh gọn.

 

Bản thân các bộ sắp tới cũng sẽ thu gọn trên cơ sở xem xét lại quy mô, công việc đó có cần một Bộ để làm không. Bộ bây giờ là theo xu hướng Bộ đa ngành. Ví như Bộ NN&PTNT hiện nay là kết quả của 2 lần nhập với 6 bộ trước đây. Chúng ta càng làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong điều kiện mới thì càng có điều kiện để quyết định mô hình tổ chức hợp lý.

 

Có thể hiểu bộ phận đã sắp xếp xong là bộ phận tương đối dễ dàng, thưa ông?

 

Không có gì là dễ dàng vì tâm lý khi ghép vào là nhiều người mất vị trí. Đây chính là một thách thức. Tôi đã từng nói, ngăn trở lớn nhất của cải cách chính là việc động chạm tới từng tổ chức, từng con người. Đó không chỉ là quyền lực mà là những lợi ích khác nhau, nếu không ý thức được lợi ích chung, lợi ích tập thể, lợi ích của đất nước mà cứ quanh quẩn với những lợi ích cục bộ của mình thì không thể thành công được. Chúng ta phải ý thức, nhận thức được yêu cầu mới cho phù hợp vì mục tiêu phát triển của dân tộc, của đất nước.

 

Đến nay, phía Bộ Nội vụ đã đưa ra những phương án nào để thực hiện yêu cầu tinh giảm số Bộ của Chính phủ?

 

Phương án thì rõ là đề ra rồi nhưng chưa thể nói cụ thể bao nhiêu phương án. Chỉ có điều là chắc chắn phải làm, trước hết là 6 bộ.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Cấn Cường - Phương Thảo (ghi)