Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI:

Chính phủ đưa ra 5 giải pháp nâng cao tốc độ tăng trưởng

Tâm điểm trong ngày làm việc đầu tiên (5/5) của Quốc hội là báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2004 và việc triển khai nhiệm vụ năm 2005 do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng trình bày.

Tốc độ tăng GDP quý I năm 2005 cao hơn cùng kỳ nhưng thấp xa so với dự kiến; giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp so với kế hoạch và là mức tăng thấp nhất trong mấy năm gần gây. Trong khi đó, giá tiêu dùng vẫn tăng ở mức khá cao tuy có thấp hơn cùng kỳ.

 

Đó là những vấn đề được lưu ý trong báo cáo của Chính phủ. Điều này đặc biệt quan trọng bởi tốc độ tăng trưởng chỉ có 7,23% của quý I sẽ đặt áp lực cực kỳ nặng nề cho 9 tháng còn lại: phải đạt tốc độ tăng 8,8%.

 

Trong khi đó, Chính phủ cũng lường trước những yếu tố khách quan rất bất lợi đối với sản xuất, đời sống và sự ổn định kinh tế vĩ mô: "Kinh tế thế giới có nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng nhưng chậm so với năm 2004; giá cả và tỷ giá hối đoái còn diễn biến phức tạp; giá xăng dầu và nhiều loại nguyên liệu tăng và đứng ở mức cao; nguy cơ dịch bệnh và thiên tai còn nhiều diễn biến khó lường...".

 

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng phần nào làm yên lòng các đại biểu Quốc hội  bằng việc đưa ra 5 giải pháp nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế.

 

Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh giải pháp "sâu sát với dân, với doanh nghiệp" để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển.

 

Ông nói: "Các bộ, ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của mình phải sát dân, sát doanh nghiệp, tận tụy phục vụ và giúp đỡ dân, doanh nghiệp... khắc phục bằng được những hành vi sách nhiễu, gây khó khăn phiền hà cho dân, cho doanh nghiệp, nhất là những nơi cấp phép, cấp hạn ngạch, thu và hoàn thuế, hải quan, công an kinh tế, công an giao thông, thanh tra giao thông, quản lý thị trường".

 

Do tính chất quan trọng và phức tạp của dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), phiên thảo luận của Quốc hội về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của bộ luật này ngày hôm nay, 6/5 sẽ được truyền hình trực tiếp (VTV1, bắt đầu từ 8 giờ sáng) để đông đảo người dân có thể theo dõi. (Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được)

Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài là giải pháp tiếp theo với những động thái cụ thể hơn: xóa bỏ các phân biệt giữa đầu tư trong nước và ngoài nước, đa dạng hóa các hình thức đầu tư; bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, thừa kế, không hồi tố trong các chính sách về đầu tư nước ngoài... Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là giải pháp cuối cùng được nhắc đến.

 

Giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2005 tăng 4,3% (trong khi chỉ số lạm phát cả năm Quốc hội cho phép là 6,5%) cũng khiến Chính phủ không thể thờ ơ trong việc kiểm soát lạm phát. "Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế mức tăng giá trên thị trường", Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

 

Ông cho biết, góp phần chính vào chỉ số tăng giá chung là giá lương thực (tăng 5,4%), thực phẩm (tăng 6,8%) nhưng tháng 4 mức tăng giá này đã giảm nhẹ và "có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới".

 

Trong   báo cáo về đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và phòng chống tội phạm, Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Một vấn đề lớn hiện nay là quan hệ giữa cơ quan hành chính với dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính".

 

Một lần nữa, ông khẳng định việc các bộ, ngành chức năng phải tập trung rà soát và sửa đổi những quy định chồng chéo gây rắc rối phiền hà cho dân và doanh nghiệp. "Để chấn chỉnh và siết chặt kỷ luật hành chính, Chính phủ sắp tới sẽ ban hành Nghị định về thanh tra công vụ", Phó thủ tướng cho biết. Thanh tra, kiểm tra công vụ để nhằm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ việc vi phạm kỷ luật hành chính, tiêu cực tham nhũng của cán bộ, công chức thuộc quyền và kiến nghị các biện pháp xử lý nghiêm minh.

 

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2003. Các đại biểu Quốc hội không khỏi thắc mắc về việc chi vượt dự toán đến 24,6%; chi hành chính nói phải giảm 10% nhưng thực chất lại tăng chi đến 36%.

 

Nhiều đại biểu yêu cầu Chính phủ nếu cần tăng chi phải trình Quốc hội để điều chỉnh dự toán, không nên tiếp tục kéo dài tình trạng chi vượt dự toán quá nhiều và đặt Quốc hội vào tình thế... "sự đã rồi".

 

Theo Thanh niên,VietNamnet

Dòng sự kiện: Quốc Hội khoá XI