Chính phủ đối thoại về phòng, chống tham nhũng
(Dân trí) - Sáng nay, ngày 18/5, lần đầu tiên giữa Chính phủ, các cơ quan phòng chống tham nhũng Việt Nam và các đối tác phát triển đã có cuộc đối thoại cởi mở, công khai về công tác phòng, chống tham nhũng.
Cuộc đối thoại này được Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra chính phủ tổ chức, trong đó có sự phối hợp của Thụy Điển, với tư cách là cơ quan điều phối các đối tác phát triển.
Đây được xác định là một diễn đàn trao đổi một cách cởi mở và công khai về những vấn đề liên quan đến tham nhũng mà cả Việt Nam và các đối tác phát triển song phương và đa phương, các cơ quan tổ chức chính phủ và phi chính phủ (gọi chung là đối tác phát triển) đều quan tâm.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu của các đối tác phát triển và sẵn sàng trao đổi cởi mở tất cả những vấn đề liên quan mà cả hai bên cùng quan tam, trong đó có tham nhũng và chống tham nhũng. Sự hiểu biết lẫn nhau là tiền đề quan trọng nhất trong sự hợp tác phát triển nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Tại cuộc đối thoại này, các cơ quan phòng, chống tham nhũng chủ chốt của Việt Nam bao gồm: Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đơn vị chuyên trách của Bộ Công an… đã lần lượt giới thiệu vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác, phòng chống tham nhũng. Mục đích là cung cấp cho đối tác cái nhìn tổng thể về cơ cấu, tổ chức vị trí, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và để các đối tác có cơ hội đưa ra các câu hỏi liên quan.
Các đối tác phát triển đều thống nhất cho rằng Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác phòng và chống tham nhũng. Điều đó được thể hiện qua việc Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng, Chính phủ thành lập một loạt cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ một số quan ngại. Trong đó, đại diện Vương quốc Anh cho rằng với việc có nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo nhau. Trả lời về vấn đề này, Tổng thanh tra Nhà nước Trần Văn Truyền cho rằng, trong việc thành lập các cơ quan phòng chống tham nhũng, Chính phủ đã cân nhắc và xác định rõ từng vai trò, vị trí nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn đang hoàn thiện các quy định về cơ chế phối hợp tránh tình trạng hoạt động chống chéo, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng.
Trước mối lo ngại của nhiều đại biểu về hiệu quả sử dụng vốn ODA, đặc biệt là vụ việc liên quan đến PMU 18 đến nay chưa có kết qủa. Đại diện Bộ Công an cho biết, đối với vụ việc liên quan đến PMU18, các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thành việc điều tra làm rõ và sẽ công bố công khai trước dư luận. Vụ việc kéo dài bởi tính chất phức tạp nhưng được thực hiện đúng theo trình tự pháp luật. Các cơ quan hữu quan cũng khẳng định, việc sử dụng vốn ODA và các vốn đầu tư phát triển khác nhìn chung được Việt Nam sử dụng đúng mục đích và đến nay chưa phát hiện ra sai phạm.
Đại diện các đối tác phát triển Nhật Bản, Thụy Điển, Úc… cho rằng để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn cần phát huy vai trò của báo chí, qua việc khuyến khích báo chí phát giác tội phạm, cởi mở về thông tin trong các vụ án tham nhũng. Về vấn đề này, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tác nghiệp theo đúng luật định.
Các cơ quan hữu quan cũng xác định, báo chí là một trong những những mũi tấn công hiệu quả trong công cuộc chống tội phạm tham nhũng. Đối với Thanh tra Nhà nước, tới đây sẽ tăng cường phối hợp với báo chí qua việc tổ chức họp báo định kỳ hàng tháng để thông báo kết quả hoạt động phòng chống tham nhũng.
Tại cuộc đối thoại, các đối tác phát triển đã bày tỏ sẵn sàng có nhiều biện pháp tích cực giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống tham nhũng thông qua việc tài trợ về vật chất, đào tạo nhân lực, trao đổi kinh nghiệm của các nước. Trong đó, hai bên đã đưa ra thảo luận ban đầu về cơ chế hợp tác.
Kết thúc cuộc đối thoại này, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và ông Rolf Bergman, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã đạt được thỏa thận trên cơ sở lấy ý kiến các đại biểu về việc trong thời gian tới sẽ tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ, mỗi năm 2 lần và diễn ra dưới nhiều hình thức.
Cuộc đối thoại kế tiếp sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới đây, nội dung dự kiến sẽ là mối quan hệ giữa phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.
Thái Sơn - Trần Đức