Chính phủ đề xuất sửa đổi nhiều luật để "cứu" các dự án đầu tư công
(Dân trí) - Nhằm tháo gỡ vướng mắc của các dự án đầu tư công, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung những luật có quy định liên quan đầu tư, ngân sách. Đây là một trong những nội dung vừa được Chính phủ bàn thảo.
Nội dung này được đề cập trong phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sáng 29/6.
Tại phiên họp này, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về 4 nội dung: Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì); dự án Luật Lưu trữ sửa đổi (Bộ Nội vụ chủ trì); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất (Bộ Công Thương chủ trì); sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì).
Trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
"Phải phân cấp, phân quyền mới nâng cao tính chủ động của các cấp. Tháo gỡ được những quy định vướng mắc mới khơi thông được nguồn lực, thúc đẩy được tăng trưởng", theo quan điểm của Thủ tướng.
Cho ý kiến cụ thể về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Thủ tướng lưu ý cần cơ chế tập trung, tổng thể với đội ngũ nhà giáo, các chính sách vừa bảo đảm đặc thù, vừa phù hợp, hài hòa với tổng thể chung.
Với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Thủ tướng lưu ý yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý lưu trữ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các tài liệu, tư liệu lưu trữ phù hợp với chủ trương phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất, Thủ tướng lưu ý nội dung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hóa chất.
Về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đây là nội dung được nhiều bộ, ngành địa phương đề xuất.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng phương án phù hợp trên cơ sở rà soát các chính sách đang thực hiện, thí điểm có hiệu quả để áp dụng.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xây dựng các dự án đường bộ; tách khâu giải phóng mặt bằng khỏi dự án đầu tư, xây dựng; vướng mắc do quy định đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ phải dùng nguồn ngân sách Trung ương, không dùng nguồn ngân sách địa phương…
"Việc xây dựng luật hoặc nghị quyết phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, nêu rõ căn cứ, cơ sở pháp lý, thực tiễn, khoa học để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công", Thủ tướng quán triệt.
Ông yêu cầu cơ quan chủ trì tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ; tiếp tục tổ chức hội thảo nhằm tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đối tượng bị tác động. Từ đó, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.