Chính phủ chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước
(Dân trí) - Cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ cùng 2 chính sách quan trọng khác về visa đã được Chính phủ thống nhất chủ trương trình Quốc hội.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 46 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3. Theo đánh giá của Chính phủ, các bộ ngành đề xuất nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, cấp bách, nhạy cảm để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ lưu ý các bộ ngành phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, tránh lợi ích cục bộ; công khai, minh bạch vì lợi ích chung của quốc gia.
Với dự thảo Nghị quyết về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
3 chính sách mới và quan trọng đã được Chính phủ đề xuất. Một là thực hiện chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở có đi có lại, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế.
Hai là nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Ba là nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ nhắc nhở cần tiếp tục đánh giá tác động của chính sách cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu kỹ một số điều trong luật để tránh gây xung đột với pháp luật liên quan. "Quy định trong luật những nội dung có tính ổn định, thống nhất cao; những nội dung mới, còn biến động thì giao Chính phủ quy định bảo đảm linh hoạt trong điều hành và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn", theo yêu cầu của Chính phủ.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu xây dựng các quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, thu giữ tài sản bảo đảm; quy định rõ thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định việc cho vay đặc biệt, không quy định việc Chính phủ, Thủ tướng quyết định nội dung này.
Về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tham gia ý kiến về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông.
Trong đó, Chính phủ đề nghị nghiên cứu đề xuất chính sách theo hướng không tính chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP; bổ sung nguyên tắc giao cơ quan quản lý sau đầu tư đối với dự án liên vùng…