1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Chính phủ cần có phương án kiểm soát giá cả khi công bố tăng lương

(Dân trí) - TPHCM kiến nghị khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định về giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Doanh nghiệp còn thờ ơ xây dựng thang lương, bảng lương

UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về đánh giá tình hình thực hiện và rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2020.

Chính phủ cần có phương án kiểm soát giá cả khi công bố tăng lương - 1

TPHCM thực hiện chi trả lương hưu tại nhà cho người dân trong mùa dịch Covid-19 (ảnh: Xuân Hinh)

Theo đó, UBND TPHCM kiến nghị khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định về giá cả các mặt hàng thiết yếu như sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động. 

Mặt khác, cần ban hành và công bố sớm để doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương tổ chức tốt việc triển khai thực hiện.

UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có quy định cụ thể về thời hạn để doanh nghiệp thực hiện xây dựng và gửi thang lương, bảng lương, tránh trường hợp doanh nghiệp chỉ thực hiện khi có thông báo các cơ quan chức năng kiểm tra hoặc khi cần thực hiện các thủ tục để được hưởng chế độ. Việc này nhằm tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật lao động.

Theo UBND TPHCM, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2020 để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tăng lương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, gắn bó hơn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tiền lương của doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế.

Trong đó, một số doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng trên hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định nhưng đồng thời điều chỉnh giảm hoặc bỏ hệ số đã đăng ký thực hiện trước đây. 

Do đó, mức lương của người lao động có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá sinh hoạt. 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa nắm bắt được các quy định đối với người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại để chi trả tiền lương so với mức lương của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước về lao động quận, huyện còn thấp so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 18/5, trên địa bàn thành phố có hơn 6.900 doanh nghiệp rà soát, điều chỉnh thang lương, bảng lương gửi cơ quan quản lý, giảm hơn 1.800 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó có nhiều nguyên nhân như: nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu là lao động trong gia đình; doanh nghiệp còn có tâm lý thờ ơ với việc xây dựng thang lương, bảng lương; ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên việc rà soát, xây dựng thang lương, bảng lương chưa được quan tâm nhiều...

Tiếp tục kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp do dịch Covid-19

Chính phủ cần có phương án kiểm soát giá cả khi công bố tăng lương - 2

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiểm tra tình hình sản xuất tại một doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận (ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM)

Liên quan đến việc phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu trên địa bàn, UBND TPHCM đề xuất giữ nguyên phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng như hiện nay theo Nghị định số 90/2019 của Chính phủ. Cụ thể: 19 quận và 4 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè) thuộc vùng I; huyện cần Giờ thuộc vùng II.

Theo UBND TPHCM, huyện Cần Giờ giao thông vẫn còn cách trở, xa trung tâm thành phố dẫn đến phát sinh chi phí trong đầu tư sản xuất của doanh nghiệp. Việc giữ nguyên phân vùng như hiện nay nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Ngoài ra, giá cả sinh hoạt và mức sống đa số người dân trên địa bàn huyện còn thấp so với các quận, huyện khác.

Cũng tại báo cáo này, UBND TPHCM cho biết, do diễn biến của dịch Covid-19 hết sức phức tạp, hầu hết loại hình doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Theo thống kê sơ bộ đến ngày 14/4, trên địa bàn TPHCM có gần 102.000 người lao động trong các doanh nghiệp phải nghỉ việc không hưởng lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm