Chính kiểu “bí mật” về sức khỏe lãnh đạo khiến tình hình phức tạp
(Dân trí) - Ngày 12/8, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về luật Tiếp cận thông tin – một luật được “thúc” nhiều lần qua 2 khóa Quốc hội. Nhiều bức xúc thực tế, từ chuyện “bí mật” thông tin sức khỏe lãnh đạo tới công khai học phí trường công, trường tư… được đưa ra phân tích.
Thư mời họp cũng đóng dấu… mật!
Thảo luận về dự án luật Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý, nếu không cụ thể hoá thì luật khó khả thi. Bởi lẽ, mục đích xây dựng luật đặt ra rất cao nhưng các quy định lại chung chung.
“Điều 20 đề cập quyền từ chối cung cấp thông tin rất mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin của người dân vì chỉ mới “có thể” ảnh hưởng đến an ninh hay đời tư thôi thì cơ quan chức năng đã từ chối cũng cấp rồi. Trong khi thực tế, tài liệu ghi mật tràn lan, thậm chí có thư mời đi họp cũng ghi chữ Mật”, ông Huỳnh Ngọc Sơn phàn nàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, chính việc quy định chưa cụ thể, rõ ràng cũng gây khó cho người được yêu cầu cung cấp thông tin vì chỉ cần từ chối với lý do không phù hợp cũng có thể bị khởi kiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ loại thông tin người dân được tiếp cận, quy định cụ thể thông tin nào là “mật” và “mật” đến khi nào. Ông Sơn nhận định, luật muốn mở quy định để người dân dễ tiếp cận nhưng quy định lại chưa rõ.
Dẫn chứng từ câu chuyện thời sự gây sốt vừa qua về tình hình sức khoẻ của lãnh đạo nhà nước, nhân sự cấp cao chỉ vì thông tin vẫn “úp mở”, coi là nhạy cảm, ông Sơn phân tích, người đi chữa bệnh, khi nào về nước thì thông tin cần cung cấp bình thường, “có gì đâu mà bí mật”.
“Chính kiểu “bí mật” của mình làm phức tạp thêm tình hình. Do đó cần rà soát hết lại, phải rõ cái nào được cung cấp và không cung cấp thì luật ra mới khả thi”, ông Sơn nêu quan điểm.
Nhìn thẳng vào thực tế là quyền tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng tinh thần Hiến pháp 2013, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề, những gì hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân phải ghi cụ thể trong luật.
Ông Lý lập luận: “Luật này ra đời nhằm mở ra quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo thuận lợi cho người dân. Đến thư mời đi họp cũng cộp dấu Mật như anh Sơn nói thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật”.
Theo hướng này, báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật đối với dự thảo luật trình lần này nêu rõ, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được làm ảnh hưởng đến các quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác, như quyền về bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh, bí mật nhà nước...
Để luật Tiếp cận thông tin có tính khả thi cao thì cần phải giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về thông tin được tiếp cận, người được quyền tiếp cận, người có trách nhiệm cung cấp thông tin, điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục để thực hiện quyền tiếp cận thông tin. trường hợp cơ quan nhà nước được từ chối yêu cầu cung cấp thông tin….
Sao học phí trường công lập phải công bố, trường tư lại không?
Đi sâu vào việc, công dân được tiếp cận những thông tin nào, các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội mổ xẻ nội dung trong dự thảo luật quy định, cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin là cơ quan đã tạo ra và nắm giữ thông tin trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình mà không có trách nhiệm cung cấp thông tin do nhận được từ cơ quan khác.
Theo Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi, thì nên quy định loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của dân, của cộng đồng thì phải cung cấp chứ không phải là do ai tạo ra. Ông Thi cho rằng, quy định chỉ cung cấp do cơ quan nhà nước tạo ra là hơi hẹp, nên mở rộng hơn đến những thông tin liên qian đén tài chính tài sản công, dự án, công trình và những thông tin liên quan đến lợi ích của xã hội.
Cũng theo ông Thi, nếu không xác định cụ thể thì sẽ tạo sự bất bình đẳng. “Tại sao học phí của trường công lập thì phải công bố còn tư tục thì không cung cấp mặc dù bản chất như nhau? Viện phí và các khoản tài chính của doanh nghiệp cũng vậy” - ông Thi đề nghị phải xác định loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của người dân, cộng đồng, nhà nước thì phải cung cấp cho dù tạo ra từ nguồn nào, kể cả thuộc Nhà nước và không thuộc Nhà nước.
Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nếu dân muốn hỏi về quy hoạch hay cụ thể về một dịch bệnh nào đó thì đó là nhu cầu đó là có thật và luật này phải tạo cơ chế thuận lợi mang tính phục vụ thực sự để dân có quyền tiếp cận thông tin. Còn nếu đặt nặng vấn đề phải trả đủ phí mới cung cấp thì tính phục vụ có vẻ "hơi yêu yếu".
Bà Mai cũng dẫn chứng thực tế, người dân muốn biết khu đất này quy hoạch chưa, quy hoạch đến khi nào; hay dịch bệnh có thể lan đến vùng này không… Nhu cầu đó là có thật, nên luật ra đời phải tạo cơ chế thuận lợi cho người ta tiếp cận và trên tinh thần phục vụ thực sự.
Có những thông tin công dân rất cần, ví dụ liên quan đến kinh doanh độc quyền nhà nước như xăng, dầu, điện thì dân có được tiếp cận hay không, cơ quan nhà nước có phải cung cấp cho công dân không thì luật không đề cập, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.
Đại diện cơ quan soạn thảo - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để lần trình tới đây, quy định tại dự thảo luật sẽ cụ thể hơn.
P.Thảo