Có cấm được việc đưa tin về đời tư người nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà?

(Dân trí) - Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội- ông Đào Trọng Thi phân tích, pháp luật hiện hành chưa có quy định điều chỉnh về vấn đề thông tin đời tư cá nhân…

Ông Đào Trọng Thi đã trao đổi với PV Dân trí về vấn đề thời sự và rất nhạy cảm này bên hành lang Quốc hội sáng 10/6.

Hàng ngày trên các trang báo đều dễ dàng bắt gặp hàng chục bài viết khai thác về đời tư của những người nối tiếng, những ngôi sao giải trí trong giới showbiz, từ mối quan hệ gia đình rạn nứt của Hồ Ngọc Hà – Nguyễn Quốc Cường (Cường “đô la”) đến chuyện tình Khánh Thy với học trò Phan Hiển, lộ ảnh con của Thủy Tiên – Công Vinh… Có thể hiểu là cơ quan quản lý không hề khuyến khích hướng đưa tin như này, các chuyên gia, nhà xã hội học đã lên tiếng cảnh báo nhiều hệ lụy… mà sao phong trào soi mói, đàm tiếu về đời tư người nổi tiếng vẫn tràn đất sống, thưa ông?

Tôi nghĩ là chuyện các trang mạng xã hội, các trang thông tin không được đăng ký và kiểm soát thì không nằm trong đối tượng điều chỉnh của báo chí và chuyện người ta đưa tin thế nào là quyền của người ta. Chỉ có điều, nói gì thì nói, anh không được xâm phạm vào danh dự, phẩm giá của người khác, còn nếu vi phạm thì người bị xâm phạm có quyền khởi kiện những người có hành vi sai trái, gây thiệt hại cho người khác. Trong vấn đề này thì đó là quan hệ dân sự giữa người bị khai thác thông tin đời tư với người bị đưa tin.

Với báo chí thì khác, cơ quan quản lý nhà nước có thể phát hiện, xử phạt theo quy định của luật báo chí.

Có cấm được việc đưa tin “ầm ĩ” về đời tư người nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà?
GS.TS Đào Trọng Thi: "Hiện pháp luật chưa có quy định về giới hạn phạm vi khai thác thông tin đời tư của cá nhân".

Các thông tin về đời tư người nổi tiếng được khai thác một cách… không giới hạn. Từ báo cáo tài chính của công ty Quốc Cường Gia Lai cũng có cả loạt bài viết ra lò để bình luận về việc Hồ Ngọc Hà “tay trắng” trong cuộc hôn nhân với Cường “đô la”, rồi khai thác từ facebook của chính Hồ Ngọc Hà, Nguyễn Quốc Cường cũng như facebook của cả… mẹ của nữ ca sĩ để bình luận về quan hệ gia đình, hôn nhân rạn nứt của “khổ chủ”…. Chuyện này diễn ra trên báo thường ngày chứ không chỉ là trang thông tin này khác. Có giới hạn nào cho việc khai thác thông tin đời tư cá nhân như vậy trên các báo?

Về thông tin cá nhân, pháp luật hiện hành chưa có quy định gì. Về báo chí thì chúng ta hiện mới chỉ dừng ở quy định cần đưa tin có kiểm chứng, không đưa tin sai sự thật. Sự thật, dù là chuyện riêng tư của một người và người đó không muốn bộc lộ ra chẳng hạn, thì cũng chưa có quy định nào điều chỉnh. Trong trường hợp đưa tin sai sự thật, thông tin không được kiểm chứng được xác định là xâm phạm vào danh dự của cá nhân, tổ chức, sẽ bị xử phạt theo quy định của luật báo chí.

Nhưng nhìn từ khía cạnh khác, nếu thông tin đưa ra đó có nguồn xác định mà không chứng minh được là việc đó xâm phạm vào danh dự, nhân phẩm, bôi nhọ người khác thì chưa có quy định nào cấm cả. Mà thông tin đời tư cũng không nằm trong danh mục cấm tiếp cận. Thường những thông tin đó do “người trong cuộc” bộc lộ ra, như bạn nói là bày tỏ trên facebook, bạn bè chia sẻ… thì làm sao cấm người ta được. Thông tin của cơ quan nhà nước thì còn có những quy định để xác định như tin mật, tối mật, tuyệt mật… mà nếu vi phạm là bị xử lý theo luật quy định về bí mật nhà nước ngay, còn lĩnh vực thông tin về cá nhân, đời tư thì hiện chưa có giới hạn phạm vi khai thác.

Hiện các cơ quan quản lý cũng đang đặt vấn đề xây dựng quy định bảo vệ bí mật thông tin riêng tư của cá nhân. Nếu xúc tiến việc này, rất có thể nhà nước sẽ định ra hàng rào bảo vệ một số loại thông tin về cá nhân nhưng hiện tại thì chưa có quy định này. Luật Báo chí mới chỉ dừng ở quy định không được thông tin sai sự thật, bôi nhọ danh dự của người khác. Mà như vậy, nếu có hành vi vi phạm, người bị bôi nhọ đó phải kiện người có hành vi đó ra tòa. Chỉ có trường hợp đưa tin sai sự thật thì không cần có yêu cầu, cơ quan nhà nước sẽ xử lý.

Thực tế nhiều người nổi tiếng đã phản ứng với việc thông tin đời tư bị báo chí khai thác quá đà. Vấn đề đặt ra là các thông tin được “khổ chủ” thể hiện trên facebook, các trang thông tin cá nhân nếu sử dụng  phải tuân thủ nguyên tắc là được sự đồng ý của người đó? Còn cơ quan nhà nước thì cũng không thể kiểm soát xuể, phạt xuể những cách khai thác thông tin kiểu “du kích” như vậy?

Tôi nghĩ là đòi hỏi việc xin phép khi sử dụng thông tin trên trang cá nhân như vậy hơi khó, nhất là khi chính anh là người đưa thông tin đó ra. Ở khía cạnh nào đó, người viết có thể chỉ cần chỉ rõ nguồn khai thác ở đâu, chính xác là nguồn tin tồn tại xác thực, nghĩa là thông tin đó không phải là không được kiểm chứng vì rõ ràng là có nguồn đấy chứ. Điều kiện khác, thông tin đó không sai sự thật là được. Nếu là tin do chính người nổi tiếng hay người thân nói ra thì sao nói là thông tin bịa đặt được. Thông tin được sử dụng đúng là có thể mang lại phiền phức, mang tiếng xấu cho người đó nhưng có phải là xuyên tạc, bịa đặt hay không? Hiện nay, theo luật, nếu việc đưa tin không rơi vào trường hợp bịa đặt thì cũng không thể làm gì được người đưa tin.

Còn với những thông tin bôi nhọ về danh dự, về phẩm giá thì khi đó, cá nhân bị đưa tin nếu cảm thấy bị xâm phạm, bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện và tòa án là cơ quan có thẩm quyền phán quyết xem cơ quan báo chí, người đưa tin có vi phạm quy định hay không. Tuy nhiên, phải nói việc chứng minh này rất khó khi thông tin rõ ràng là có, là đúng và lại do chính “khổ chủ” nói ra, sao nói là bôi nhọ được. Để tòa án chấp nhận được lý lẽ rằng như vậy là “bị bôi nhọ” không hề đơn giản.

Nói như ông, có thể thấy là pháp luật của ta đang hổng, chưa bảo vệ hiệu quả yêu cầu được tôn trọng thông tin đời tư, cá nhân của mỗi người? 

Tôi nghĩ, một mặt chúng ta chưa có quy định cụ thể về vấn đề này cũng là thiếu sót, là để hở những khoảng trống nhưng ở mặt khác phải thấy, ở đây nội dung cần xem xét là xử lý mâu thuẫn giữa quyền tự do ngôn luận với quyền riêng tư để làm sao cân bằng được giữa 2 chuyện đó. Đặt vấn đề đưa tin về người nào phải được người đó đồng ý thì lại là hạn chế quyền tự do ngôn luận của người khác, nhất là khi đối tượng được phản ánh là người nổi tiếng, người của công chúng, xã hội. Tự do ngôn luận cũng là một nhân quyền, một quyền con người cần phải được bảo vệ giống như quyền được bảo vệ về thông tin đời tư vậy.

Đương nhiên việc thực hiện quyền của người này không được xâm phạm vào quyền của người khác nhưng nói thế để thấy ranh giới phân định trong vấn đề này rất khó, bảo vệ cái kia quá thì lại không đảm bảo được quyền tự do ngôn luận của nhiều người. Đây là cả một vấn đề không đơn giản chút nào.

Vừa rồi, từ câu chuyện tranh luận của báo chí Châu Âu về việc có được đưa hình ảnh, thông tin biếm họa về nhà tiên tri Mohamed của đạo Hồi hay không cũng cho thấy mức độ phức tạp của vấn đề. Đây là ở những môi trường có truyền thống về nhân quyền rồi mà chuyện cũng còn khó phân định được, vậy thì xây dựng quy định điều chỉnh vấn đề này cũng phải rất cẩn trọng, tinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Việc khai thác quá đà những thông tin liên quan đến đời tư, tình cảm cá nhân của người nổi tiếng, theo bạn đó là hệ quả của việc:
Vì người Việt quá hiếu kỳ, tò mò
Vì những câu chuyện đời tư của người nổi tiếng luôn hấp dẫn
Vì nhiều độc giả trẻ Việt đang bị khủng hoảng văn hóa đọc
Ý kiến khác
  

P.Thảo (thực hiện)