1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chỉnh hướng ưu đãi để cân bằng cung - cầu nhà thu nhập thấp

(Dân trí) - Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Xây dựng sửa đổi. Nhà ở xã hội - một điểm sáng được ghi nhận trong dự thảo luật hướng tới phục vụ đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở.

Tờ trình về dự án luật do Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày trước Quốc hội nêu rõ tinh thần sửa đổi luật lần này là để cụ thể hóa chủ trương nhà nước phải có chính sách để phát triển mạnh nhà ở cho nhân dân, nhất là cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp.

Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), theo đó, cũng bám theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 đã quy định nhiều nội dung như “Công dân có quyền có chỗ ở,” “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở”…

Cơ quan soạn thảo đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tự phát, phong trào, cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung - cầu như trong những năm qua; đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở…
Chỉnh hướng ưu đãi để cân bằng cung - cầu nhà thu nhập thấp
Mua được một căn nhà với chính sách ưu đãi là ước mơ của không ít người lao động có thu nhập thấp, thậm chí là trung bình hiện nay.

Thảo luận về các nội dung của dự luật, phần quy định dự án đầu tư xây dựng, một số đại biểu cho rằng, những quy định liên quan tới dự án đầu tư xây dựng và để tiết kiệm chi phí đầu tư thì cần quy định chặt chẽ, hạn chế các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự án xây dựng và các trường hợp điều chỉnh phải bảo đảm trên nguyên tắc thật chặt chẽ. Các ý kiến đề nghị rà soát lại các quy định xung quanh việc lập thẩm định, quyết định đầu tư xây dựng, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư, của cơ quan tổ chức thẩm định đầu tư xây dựng, của nhà thầu và tư vấn.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) góp ý, cơ chế điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng rất cần thiết, nhất là đối với các trường hợp do thay đổi chỉ số giá xây dựng, các trường hợp đặc biệt bất khả kháng do thiên tại, do thay đổi quy hoạch. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư với những lý do không cấp thiết như “xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn…” được quy định tại khoản 1 Điều 61 dự thảo luật là thiếu chặt chẽ, không rõ ràng và đang bị lợi dụng để điều chỉnh nâng quy mô cũng như tổng mức đầu tư một cách tràn lan.

Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) lập luận, quy hoạch xây dựng chỉ điều chỉnh khi thay đổi về địa lý, tự nhiên, dân số, kinh tế, xã hội là còn chung chung vì sự thay đổi đó cụ thể như thế nào, đến đâu để điều chỉnh thì chưa xác định. Do vậy, ông Quang đề nghị Ban soạn thảo làm rõ sự thay đổi trên chứ nếu áp dụng thì điều chỉnh không chính xác.

Ông Quang cũng cho rằng bên cạnh quy định thẩm quyền quyết định Quy hoạch xây dựng thì dự án Luật cũng phải bổ sung quy định trách nhiệm người phê duyệt để xử lý nếu có sai sót trong thực thi sau này.

Về vấn đề quản lý xây dựng và cấp phép xây dựng, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, có cơ chế công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về xây dựng nhà ở và quan trọng nhất là phải giảm bớt được phiền hà đối với người dân khi xin phép xây dựng.

Chỉ rõ thực tế hiện nay, quy trình cấp phép còn rất nhiều thủ tục rườm rà, có những dự án giấy phép chồng lên giấy phép, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng có những thông tin hướng dẫn rất cụ thể và giảm bớt các phiền hà cho người dân.

Nhiều đại biểu cũng gợi ý Chính phủ tiếp tục rà soát thêm tất cả các loại giấy phép xây dựng, trường hợp nào cấp giấy phép tạm và trường hợp nào được miễn như các hoạt động xây dựng ở địa bàn nông thôn. Thời gian, thủ tục, hồ sơ cấp phép xây dựng, tính khả thi của việc cấp phép xây dựng tạm cần chỉnh lý thêm để phù hợp với thực tế.

P.Thảo