Tổng Bí thư:

Chỉnh đốn Đảng không phải để cán bộ khư khư giữ mình sợ mắc lỗi!

Quang Phong

(Dân trí) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải làm cho cán bộ, đảng viên "hăng hái tiến lên, chứ không phải chỉ giữ mình để cho khỏi phạm khuyết điểm".

Do vậy, cùng với việc chủ động tấn công, xử lý nghiêm những hành vi suy thoái, tiêu cực, cơ quan chức năng phải thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

"Bệnh sợ trách nhiệm" - lực cản cán bộ "xé rào"

Trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch bệnh Covid-19, phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) nêu ra một loại "dịch bệnh" khác đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp và len lỏi trong mỗi người. Theo đại biểu Công, đó là "bệnh sợ trách nhiệm" và nó có thể kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Nguyên nhân chính dẫn đến "căn bệnh" này được đại biểu đoàn Thái Nguyên chỉ rõ là sự mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật. Điều đó đã đẩy cán bộ, công chức vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám quyết định. Đại biểu Công đưa ra ví dụ cụ thể trong đợt dịch vừa qua, dù Chính phủ đã ban hành quy định về "thích ứng an toàn", nhưng do tâm trạng lo sợ bị phê bình, kỷ luật, nhiều tỉnh thành vẫn áp dụng các biện pháp "ngăn sông cấm chợ", hạn chế giao thương hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0.

Theo đại biểu Hoàng Anh Công, tác động tiêu cực của hiện tượng trên khiến "một bộ phận không nhỏ" cán bộ không năng động, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, vô cảm với nhân dân. 

Chỉnh đốn Đảng không phải để cán bộ khư khư giữ mình sợ mắc lỗi! - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Là người từng được Ban Tổ chức Trung ương mời tham gia xây dựng Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, khi phát biểu ở buổi họp tổ của Quốc hội ở khóa XIV, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, sau một loạt vụ việc xảy ra vừa qua, nhiều cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo. Theo ông Hải, hầu hết cán bộ, đảng viên thời điểm đó đều xác định làm "tròn vai". Có những vấn đề dù được phân vai cho cấp quận, huyện quyết định, nhưng họ vẫn xin ý kiến HĐND cấp TP "cho chắc".

Thời điểm đó, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, việc đổi mới, sáng tạo rất mong manh giữa cái đúng và cái sai. Do vậy, theo ông Hải nếu không có cơ chế bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm "trái luật". 

Khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo

Tháng 9/2021, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo Kết luận 14, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Bên cạnh đó phải xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình, làm "đúng vai, thuộc bài", hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, cơ quan chức năng phải thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Phân tích thêm về vấn đề trên, theo Tổng Bí thư, các cơ quan chức năng phải chủ động tấn công, xử lý nghiêm những hành vi suy thoái, tiêu cực, "nhưng nếu không cẩn thận là cực đoan, nên phải có vế khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải làm cho cán bộ, đảng viên "hăng hái tiến lên, chứ không phải chỉ giữ mình để cho khỏi phạm khuyết điểm".

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, nếu chỉ khuyến khích mà không bảo vệ thì cán bộ không dám nghĩ, dám làm. Đề cập đến Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, bà Trương Thị Mai đánh giá, khi kết luận được ban hành, báo chí đã phản ánh được những gương cán bộ điển hình trong điều kiện phòng chống dịch bệnh. 

Giải phóng sức sáng tạo và chủ động của cán bộ

Nhớ lại thời điểm tham dự buổi họp cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo kết luận đề án trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ cho biết, cảm giác đầu tiên của ông là rất mừng, vì đây là chủ trương đúng và cần thiết. "Khi đọc bản dự thảo, tôi đã thấy vấn đề này là một khâu đột phá của đột phá. Hướng đột phá này mở cánh cửa cho cả đội ngũ cán bộ, Đảng viên và người dân sáng tạo. Cơ chế này cũng sẽ giúp thúc đẩy, giải phóng sức sáng tạo và chủ động của cán bộ, là động lực của nhiều động lực khác, sẽ đem lại những sáng tạo có giá trị", ông Lê Huy Ngọ chia sẻ.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trong cơ quan Nhà nước không thiếu những cán bộ dám nghĩ, dám làm. Đơn cử như khi dịch bệnh bùng phát ở TPHCM, nhiều cán bộ như Bí thư quận 7 và Bí thư huyện Củ Chi đã mạo hiểm sinh mệnh chính trị của mình mà "xé rào" để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Cụ thể, thay vì chuyển hết F0 lên các bệnh viện tuyến trên, họ đã mạnh dạn chuyển đổi khu cách ly tập trung thành bệnh viện dã chiến để điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ và vừa… Với cách làm đó quận 7 và huyện Củ Chi đã sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Dù tư duy đột phá trong phòng chống dịch của Bí thư quận 7 và Bí thư huyện Củ Chi là từ "mệnh lệnh của trái tim" hay gì đi chăng nữa, thì theo ông Lê Quang Thưởng phải có cơ chế cụ thể để bảo vệ, khuyến khích họ sau này. Vì vậy, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, Kết luận 14 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Với kết luận này, cán bộ sẽ "yên tâm" hơn trong việc đổi mới, sáng tạo vì lợi ích của nhân dân, đất nước.

Còn theo đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên), Kết luận 14 là chủ trương mới, hướng tới khuyến khích sự năng động, sáng tạo của cán bộ, đồng thời bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, ông Công cho rằng, để kịp thời đưa chủ trương đúng đắn của Đảng vào cuộc sống, thì cần thể chế hóa các chủ trương này. Còn nếu không thể chế hóa những quy định này về mặt pháp lý sẽ dẫn đến việc xử lý sẽ tùy tiện.

"Khi đã được luật hóa, quy định này sẽ không cho phép bất cứ ai được đưa ý kiến chủ quan làm thay đổi sự thật, sự công bằng của pháp lý. Nếu không luật hóa sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm, mà có thể bị trù dập, bị oan sai. Nếu không sớm luật hóa sẽ vô tình mở thêm "thị trường" cho tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, điều tra, xét xử", đại biểu Hoàng Anh Công nêu kiến nghị.