1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Chim cảnh “ngắc ngoải chờ chết”

(Dân trí) - Thông tư của Bộ Nông nghiệp sáng nay nhấn mạnh: Cấm vận chuyển và buôn bán chim cảnh, chim hoang dã vào nội thành, nội thị; không nuôi chim cảnh ở nơi công cộng, nơi có đông người qua lại hoặc tụ tập. Tuy nhiên tại Hà Nội, ghi nhận của PV báo Dân trí cho thấy, chim cảnh vẫn được bày bán ào ào ở nhiều chợ chim.

Trăm người bán, không người mua

 

Sáng nay 8/11, các cửa hàng bán chim tại ngã tư Đê La Thành -Láng Hạ (nơi có rất nhiều người qua lại) vẫn hoạt động bình thường. Đủ loại chim vẫn vô tư hót lảnh lót. Tuy nhiên, ở đây không còn cảnh kẻ ra người vào và lân la “bình” chim như mọi ngày. Thông tin về một ca tử vong do cúm H5N1 đã thực sự như một cú sốc đối với nhiều người. Những người bán chim tại đây cho biết, cả buổi sáng chỉ có lác đác vài khách đảo qua cửa hàng và số người thực mua chỉ đếm bằng ngón tay trên một bàn tay (giảm đến 90% so với trước kia). Lượng khách mua bắt đầu giảm mạnh bắt đầu từ khoảng 1 tuần nay.

 

Một người bán chim cho biết, ông liên tục theo dõi những thông tin về dịch cúm gia cầm qua báo chí và truyền hình. Từ 15 ngày nay, ông không hề nhập thêm chim và chủ trương bán nhanh số chim còn lại. Chắc chắn chỉ một vài hôm nữa, cửa hàng chim sẽ phải đóng cửa nên quan điểm của ông là nếu người mua thực sự có nhu cầu mua thì sẽ chấp nhận giá mềm để bán cho bằng được. Tuy nhiên, cho đến lúc này số chim cảnh của cửa hàng vẫn còn rất nhiều…

 

Tại phố Tăng Bạt Hổ, nhìn thoáng qua, có vẻ như khu bán chim ở đây đã chấp hành qui định cấm bán chim của phường sở tại (có hiệu lực từ ngày hôm nay). Tất cả các cửa hàng chỉ còn bày bán lồng và thức ăn cho chim ở bên ngoài. Tuy nhiên, khi chúng tôi đóng giả người mua chim muốn tìm mua một con chim gáy thì lập tức được một người bán ở đây “vồ vập”. Chỉ một thoáng trèo lên gác xép, chị đã mang xuống một con gáy: “Mọi khi con này bán vội cũng được hai lít rưỡi, nhưng giờ chỉ lấy em lít rưỡi thôi”. Khi được trả giá bảy chục, chị này lập tức đẩy chim lên gác với lời lẽ rằng một con gáy tiếng thổ đồng, gáy bôn tiến tròn vành vạnh thì không thể có giá chợ như vậy…Qua tìm hiểu, được biết nếu người mua thực sự có nhu cầu chọn chim thì người bán sẵn sàng dẫn về chỗ cất nhiều chim hơn - nhà riêng.

 

Nằm ở phố cổ, khu bán chim cảnh tại chợ Hàng Da vẫn họp như thường ngày. Người bán chim hai bên lối đi ngồi uể oải nhìn nhau. Người phụ nữ tại ki-ốt 30 ở đây cho biết, những con chim tại đây hoàn toàn khoẻ mạnh, đẹp đẽ, hót hay mà không được đoái hoài đến. Theo chị, trong bối cảnh hiện tại, chỉ bày chim ra cho vui, khách mua chỉ lác đác vài người - đó là những người “điếc không sợ súng”, hoặc muốn lợi dụng tình hình để tìm mua với giá rẻ như cho không.

 

Chim cảnh chờ chết

 

Nhiều người bán chim mang tâm trạng hậm hực, cho rằng báo chí cứ làm um lên khiến người dân sợ sệt thái quá. Theo một phụ nữ ở chợ Hàng Da, hiện tại chỉ có cúm gà chứ làm gì đã có… cúm chim. Hơn nữa, chỉ có chim di cư mang dịch chứ chim cảnh có tội gì. Chị này còn  bồi thêm rằng: “Tôi đọc báo cũng chưa hề thấy có đàn chim di cư nào bị dịch chết”. Đây chính là những cách hiểu biết lệch lạc và sai lầm, rất có thể sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.

 

Tại một khu vực bán chim rất nổi tiếng, đường Hoàng Hoa Thám, hầu hết các cửa hàng chim cảnh đều hoạt động bình thường. Một chủ hàng tỏ ra khá bình thản trước những thông tin dồn dập về các vùng bị dịch cúm hoành hành. Tuy nhiên, cảnh mua bán đều rất èo uột, chẳng có mấy ai ngó ngàng. Thành thử, chỉ có chủ hàng ngồi sầu não cùng đám chim cảnh vô tư nhảy nhót tanh tách, hót trong lồng.

 

Tới thời điểm này, hầu hết người dân đều có ý thức cảnh giác rất cao với bệnh dịch, vậy nên hoạ hoằn mới có một “giao dịch” chim cảnh thành công. Các chủ hàng chim cảnh đều chưa có phương án gì về tương lai bầy chim-phần lớn có giá lên tới cả trăm triệu. Một chủ hàng ở đường La Thành bức xúc: Giá của chim cảnh rất đắt, thậm chí có con lên đến cả triệu bạc nên không thể tặc lưỡi đem đốt như gà. Nếu phóng sinh thì cũng lãng phí, chưa kể phóng sinh còn có thể gây nguy hại cho xã hội. Với phương án giữ lại nuôi thì lo ăn uống cho hàng trăm “tàu há mồm” này cũng không dễ dàng, nhất là lại chưa thể biết chính xác đến khi nào chợ chim mới có thể họp lại.

 

Lượng chim cảnh còn lại rải rác ở các chợ là tài sản trị giá cả đống tiền. Còn nhớ năm ngoái, nhiều chủ hàng đã phải giấu chim nuôi chui lủi trong suốt thời gian diễn ra dịch cúm, tránh sự “truy sát” của cộng đồng. Việc này gây tác hại rất lớn, trước hết là cho chính người nuôi, nếu như chẳng may chim nhiễm bệnh.

 

Năm nay, tình cảnh có thể sẽ lại diễn ra tương tự. Một người bán chim ở chợ Hàng Da tỏ ra hiểu biết: “Tôi được biết, ở bên Trung Quốc đã có loại vắc xin tiêm phòng cho chim. Tại sao chúng ta không nhập loại thuốc này, hoặc nghiên cứu sản xuất để những người kinh doanh như chúng tôi không phải thiệt hại cả đống tiền mỗi lần như thế này”.

 

Cứ tình hình này, Chỉ e loại vắc xin tiêm chim như người bán hàng đề cập, nếu có và được nhập về tới Việt Nam thì cũng chẳng còn biết tiêm vào đâu, vì số chim cảnh lúc ấy đã bị hoả táng ra tro từ lâu. Tính đến chiều nay 8/11, chim cảnh ở nhiều cửa hàng vẫn hót lanh lảnh mà chẳng hề biết, định mệnh sẽ đến lúc nào.

 

Trước tình hình cúm gia cầm diễn biến ngày một phức tạp, Báo Dân trí lập đường dây nóng online 24/24. Khi phát hiện ra bất kể thông tin gì liên quan tới bệnh dịch, bạn đọc có thể gọi điện phản ánh tới một trong các số điện thoại sau: 0989.58.68.46 -  0912.505.333- 091.338.4105. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin mới nhất về bệnh dịch tới bạn đọc.

 

B.Trung- M. Cường- T.Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm