Chiều nay Quốc hội nghe báo cáo về tình hình biển Đông

(Dân trí) – Báo cáo của Chính phủ sẽ được trình bày tại hội trường trong phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều nay. Tuy nhiên, thời gian thảo luận chưa được bố trí, đại biểu có thể nêu vấn đề khi bàn về tình hình kinh tế xã hội.

Trong dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất trước khi khai mạc, nội dung báo cáo tình hình biển Đông đã có sự điều chỉnh, từ dự định chỉ gửi báo cáo riêng cho đại biểu, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ trình bày trực tiếp tại hội trường. Theo đó, Quốc hội được bố trí thời lượng 60-90 phút cho báo cáo này vào chiều nay, 4/8.
 
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu quan điểm cho rằng, Quốc hội cần ra một Nghị quyết riêng cuối kỳ họp sau khi nghe báo cáo và thảo luận về nội dung này.
 
"Tôi cho là cần có một nghị quyết trong vấn đề tình hình biển Đông. Một nghị quyết để thể hiện thống nhất quan điểm, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, vì đôi khi tôi cảm giác hiện nay có điều gì đó chưa hiểu nhau giữa cơ quan nhà nước và nhân dân. Tôi không nghi ngờ quan điểm, lập trường kiên định của nhà nước và người dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền nhưng dường như có sự chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước và người dân về vấn đề này trong cách thể hiện” - ông Quốc đặt vấn đề.
 
Thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong khóa XII của Quốc hội chiều 3/8, đại biểu Dương Trung Quốc cũng nêu hiện tượng những cuộc tuần hành hòa bình gần đây cho thấy người dân tỏ chính kiến của mình một cách có tổ chức, có luật pháp. Tuy nhiên, chưa có quy định điều chỉnh, việc quản lý, điều tiết khó khăn dẫn đến sự phân tâm trong nhận thức của dân.
 
“Từ Hiến pháp 1946 đến nay đều có nội dung này. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói biểu tình là một trong những quyền của con người. Thời đại có thay đổi nhưng biểu tình có mục tiêu chính đáng và nhà nước có cơ sở bảo đảm an toàn, trật tự thì rất cần thiết. Cần tránh hiện tượng Hiến pháp có ghi quyền nhưng lại không có luật để thực thi quyền đó của người dân” – ông Quốc phân tích.
 
Chiều nay Quốc hội nghe báo cáo về tình hình biển Đông - 1
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Bác Hồ từng nói biểu tình là một quyền của con người" (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu bày tỏ mong muốn công tác lập pháp xây dựng lộ trình ưu tiên cho việc làm đạo luật này.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nhiều quyền của công dân chưa được luật hóa, như tự do báo chí, hội họp, biểu tình...

Vì các luật này chậm nên phát sinh một số vấn đề, công dân biểu tình dẫn tới sự lúng túng của cơ quan công quyền khi hành xử. Ông Nghĩa đề nghị “nên đưa luật biểu tình vào chương trình chuẩn bị năm 2012”.

Theo dự kiến, một số dự án luật quan trọng sẽ được Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua ngay cuối năm nay (Luật Biển Việt Nam) và trong năm sau. Như Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) cùng với Luật hoặc Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Đề cập đến tiến độ xây dựng luật Biển, ông Dương Trung Quốc dẫn chứng, QH khóa XII đã tự nhận việc chậm ra luật biển là một thiếu sót. Chính phủ cũng đề nghị sớm đưa ra bàn thảo và luật này đã được đưa vào chương trình như dự án ưu tiên về thời gian. Ông Quốc đề nghị đẩy lịch làm đạo luật này lên sớm hơn.

Theo dự kiến chương trình làm luật, Luật Quản lý giá, Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp thứ 3. Nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, cùng với Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Trong số 29 dự án luật được đề nghị đưa vào chương trình chuẩn bị của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, có Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật mua sắm công, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...

Tại phiên thảo luận, sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng là nội dung được nhiều vị đại biểu quan tâm, đề nghị sớm bắt tay chuẩn bị và bàn thảo thật thấu đáo trước khi thông qua.

Theo nghị trình, vào chiều 4/8 Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

P.Thảo