1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cử tri “sốt ruột” về tình hình biển Đông

(Dân trí) - Bất bình về việc gần đây một số tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; lo lắng về tình hình lạm phát, giá cả tiếp tục tăng cao… cử tri gửi nhiều tâm tư đến QH trước giờ khai mạc kỳ họp thứ nhất (sáng mai, 21/7).

Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đã có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐNDcác cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Theo đó, cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi trước kết quả của Đại hội và những thành tựu của đất nước sau 25 năm đổi mới: kinh tế tiếp tục phát triển; xã hội ổn định, đời sống của đại đa số các tầng lớp nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng và tăng cường, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, cử tri còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế. Việc quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản có nhiều bất cập. Cử tri phản ánh, lạm phát, giá cả tiếp tục tăng cao ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của nhân dân; chênh lệch giàu nghèo gia tăng…

Cử tri “sốt ruột” về tình hình biển Đông - 1
Việc tàu ngư chính, hải giám Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng thềm lục địa Việt Nam khiến cử tri cả nước bất bình

Đặc biệt, người dân cả nước rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Trước thềm kỳ họp đầu khóa mới với nội dung quan trọng  là xem xét bầu hoặc phê chuẩn nhân sự cấp cao, đông đảo cử tri kiến nghị QH nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài, thực sự tiêu biểu để đảm nhiệm những chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước.

Cử tri cũng mong muốn những cán bộ được bầu chọn, phê chuẩn cần có chương trình hành động gửi đến Ủy ban thường vụ QH và Ủy ban TƯ MTTQ để người dân có thể theo dõi, giám sát.

Gửi những kiến nghị tới QH, cử tri yêu cầu cơ quan đại diện của mình quan tâm giám sát các lĩnh vực mà người dân có nhiều ý kiến bức xúc, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, nợ công và chi tiêu công... Chất lượng giám sát tại các kỳ họp của QH, theo cử tri, cần phải nâng cao hơn.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cần tập trung vào những vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị.

Cử tri cũng “nhắn nhủ” cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cần đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với khả năng thực tế của đất nước; tránh tình trạng quyết định không sát thực tế, gây lãng phí tiền của, công sức của nhân dân.

Đánh giá chung trong cả khóa XII, cử tri cho rằng, hầu hết đại biểu QH làm tốt vai trò người đại biểu cao nhất của dân. Tuy nhiên cử tri cũng thẳng thắn đánh giá còn một số đại biểu chưa thực hiện tốt lời hứa; chưa thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe, phản ảnh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân đến QH và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; còn nhiều hạn chế trong việc tham gia vào các hoạt động của Quốc hội.

Cử tri mong muốn đại biểu dành nhiều thời gian, tâm trí hơn vào hoạt động giám sát cán bộ, công chức nhà nước, nhất là giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Mỗi đại biểu có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đối với Chính phủ, cử tri yêu cầu cần tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, giảm đà tăng giá như hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sản xuất của doanh nghiệp. Cử tri cũng đòi hỏi việc điều hành để duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế nước ta luôn phát triển nhanh, bền vững.

P.Thảo