1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quốc hội dành 1 giờ bàn về tình hình biển Đông tại nghị trường

(Dân trí) - Cận kề ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII, chương trình nghị sự có sự điều chỉnh với nội dung tình hình biển Đông được dành thời lượng 1 giờ để Chính phủ báo cáo tại hội trường và QH sẽ thảo luận khi bàn về tình hình kinh tế xã hội.

Quốc hội dành 1 giờ bàn về tình hình biển Đông tại nghị trường   - 1

Chủ nhiệm Trần Đình Đàn chủ trì buổi họp báo trước kỳ họp. 

Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn khẳng định trong buổi họp báo giới thiệu nội dung kỳ họp trước đông đảo cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước 1 ngày trước phiên khai mạc. Trước đó, trong chương trình dự kiến Văn phòng QH xây dựng, do yêu cầu của nhiều đại biểu, Chính phủ sẽ gửi báo cáo về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông cho các đại biểu QH tự nghiên cứu.

Ông Đàn cho biết, ngoài việc gửi báo cáo riêng để nghiên cứu, đại biểu QH sẽ được nghe một cách cụ thể hơn về nội dung này trước hội trường. Thời lượng bố trí dự kiến cho việc báo cáo tại một phiên họp toàn thể là 1-1,5 giờ.

“Vì nhân dân cả nước đều hết sức quan tâm nên UB thường vụ QH đã thống nhất yêu cầu ngay từ trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ sẽ báo cáo toàn bộ tình hình đất nước để đại biểu tiếp cận. Khi đó, tham gia thảo luận tại hội trường, không chỉ tình hình kinh tế xã hội mà tình hình biển Đông, vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia, tôi tin đại biểu sẽ có sự tham gia”, ông Đàn cho biết, các phiên thảo luận này sẽ được truyền hình trực tiếp để người dân cả nước theo dõi.

Tuy nhiên, việc có ra nghị quyết riêng về nội dung này không, Chủ nhiệm Trần Đình Đàn phân tích, còn tùy thuộc quá trình tham gia phát biểu của từng đại biểu. Trên cơ sở đó, đoàn chủ tịch sẽ xin ý kiến QH về vấn đề cụ thể cần ra nghị quyết.

Về nội dung trọng tâm của kỳ họp - công tác nhân sự cấp cao, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, ngoài việc bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án VKSND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, quyết định cơ cấu Chính phủ (số lượng các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng), QH sẽ xem xét miễn nhiệm Tổng kiểm toán nhà nước để bầu người mới.

Ông Dũng giải thích, theo quy định, nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước kéo dài 7 năm, đáng lẽ hiện vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, do có sự sắp xếp nhân sự mới, Tổng kiểm toán đương nhiệm Vương Đình Huệ sẽ được xem xét miễn nhiệm đợt này để đảm nhận vị trí công tác mới. QH sẽ bầu Tổng kiểm toán nhà nước mới.

Nội dung quan trọng khác cũng được quyết định tại kỳ họp là thông qua nghị quyết về chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xem xét và thông qua nghị quyết về ban hành bổ sung 1 số giải pháp về thuế nhằm gỡ khó khăn cho cá nhân và doanh nghiệp.

Kỳ họp sẽ chính thức khai mạc sáng 21/7, dự kiến kết thúc ngày 6/8 với 14,5 ngày làm việc.

P.Thảo 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm