1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chiều nay bão số 13 đi vào Nam Bộ, diễn biến căng thẳng

(Dân trí) - Cơn bão số 13 đi vào khu vực vùng biển đang có nhiều tàu, thuyền hoạt động. Dự báo bão từ chiều nay bão sẽ gây mưa lớn tại Nam Bộ kết hợp với triều cường lớn dẫn đến ngập lụt nặng.

Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, đến 4h sáng nay (6/11), tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 410km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp, giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 16h ngày 6/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương thông tin, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển quần đảo Trường Sa ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Từ chiều nay, vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu có gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7. Từ đêm nay, vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại cuộc họp chiều 5/11. (Ảnh: CTV)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại cuộc họp chiều 5/11. (Ảnh: CTV)

Cùng thời điểm bão số 13 đang hoạt động, ngoài biển có xuất hiện cơn bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Dự báo khoảng đêm 8/11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông. “Dù đã cuối mùa mưa bão nhưng trong những ngày qua, trên biển Đông liên tục xuất hiện các cơn bão với diễn biến nhanh và phức tạp khó lường”- ông Tăng nói.
 
Tại cuộc họp khẩn cấp chiều 5/11 ông Tăng nhận định, khu vực bão đổ bộ là các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ - được đánh giá là rất nguy hiểm bởi vùng này ít khi bão vào, nhà cửa không kiên cố bằng các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Đặc biệt, bão số 13 lại đổ bộ vào chiều tối, gây mưa lớn kết hợp với thời điểm  triều cường lớn nhất, nên các vùng ven biển như Sài Gòn nhiều khả năng lại diễn ra ngập lớn.
 
Cũng trong cuộc họp khẩn cấp chiều qua, Tổng cục Thủy sản cho hay, hiện bà con ngư dân khu vực vùng biển từ Khánh Hòa đến Vũng Tàu đang vào mùa đánh bắt, lại thời điểm  cuối tuần trăng, đầu mùa khai thác cá ngừ nên đây là thời điểm tàu thuyền hoạt động nhiều  nhất trong năm. Ngoài ra, trên bờ, hiện ước tính khoảng chục ngàn tấn tôm hùm và các loại nuôi trồng của bà con ngư dân đang bước vào vụ thu hoạch.

Trước tình hình này, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão TƯ lo lắng, bão số 13 tuy có có cường độ không mạnh nhưng lại đi vào vùng biển đang có rất nhiều tàu thuyền hoạt động, nhiều phương tiện không có phương tiện thông tin liên lạc. Do đó, ông Phát yêu cầu các cơ quan chức năng phải tìm mọi cách liên lạc, thông báo và sẵn sàng phương tiện hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.

Chỉ đạo công tác phòng chống bão số 13, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị các địa phương, bộ đội Biên phòng, ngành nông nghiệp, thủy sản tập trung thông báo tàu thuyền, cứu  người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bộ đội biên phòng và Tổng cục Thủy sản cần rà soát từng chiếc tàu xem đi đâu, hướng nào, nếu neo đậu thì kiên quyết đưa người lên bờ. Các tỉnh nằm trong khu ảnh hưởng trực tiếp là Bình Định – Khánh Hòa, Tây Ninh, Đắc Nông… tiếp tục chỉ huy neo đậu tàu thuyền, đặc biệt thực hiện nghiêm túc lệnh các tỉnh cấm biển từ hôm nay (6/11); mọi công tác phải xong trước 15h chiều nay.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương và Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện và thủy lợi. Bộ Công an toàn quyền trong việc cấm đường khi có bão lớn, không cho các phương tiện xe khách di chuyển đảm bảo an toàn về người.

Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm