1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều lênh đênh trên sông Hoài

(Dân trí) - “Anh có qua bờ bên kia không, một nghìn một người thôi!”. Trên dòng sông Hoài này, những chiếc ghe chở khách như thế là phương tiện kiếm cơm của nhiều người lao động không có vốn, chỉ lấy công làm lời.

Lặn lội một đời với sông

 

Chúng tôi xin đi theo một người đàn ông câu cá trên sông hoài. Anh tên là Huỳnh Văn Ba, người Cẩm Nam. Anh có nước da đen cháy cùng cái nắng trên sông, nhưng nét hiền lành, chất phác vẫn đượm đầy. Anh cởi mở khi chúng tôi bước chân lên chiếc thuyền thúng bé tẹo của anh lênh đênh giữa dòng: “Tui làm nghề câu cá này cũng được hơn hai chục năm rồi! Hồi trước, lấy vợ sớm, vợ lại không có công ăn việc làm nên tui phải làm thợ đụng, tức đụng đâu làm đó, còn ban đêm tranh thủ đi câu, rồi dần dần tui chuyển qua nghề này luôn. Nhưng nhờ vậy mới sống được đến chừ mà nuôi vợ nuôi con chứ!”. Vừa nói vừa cười nhưng mắt anh không lúc nào rời khỏi  chiếc phao đang thả trôi lềnh bềnh trên sóng nước. Anh Ba cho biết, công việc của anh bắt đầu lúc bốn giờ sáng, mỗi ngày kiếm được khoảng 25-30 nghìn đồng. Nhưng khoản thu nhập này cũng lênh đênh như chiếc phao nơi mặt nước kia...
 
Chiều lênh đênh trên sông Hoài - 1

Những phận người mưu sinh trên dòng sông Hoài.

 

Thu nhập bất ổn như vậy, nhưng hỏi vì sao anh vẫn không chuyển nghề. Anh Ba nhìn quanh cả một vạt nước rồi nói: “Vùng ni, trừ những người được ăn học tới nơi tới chốn, tìm được việc làm ổn định, còn hầu hết đều mưu sinh trên khúc sông chảy ngang quê mình bằng nghề câu cá, chèo đò thôi”. Ở Hội An, một nghề có thể đem lại thu nhập ổn định và cao hơn chút đỉnh cho những người lao động là nghề xe thồ, xích lô phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, vì không đủ tiền mua xe máy nên anh cùng với nhiều người khác phải chấp nhận phận nổi nênh cùng sóng sông Hoài mỗi sớm hôm cho đến chiều muộn...

 

Rời chiếc thuyền thúng của anh Ba, chúng tôi men theo một khúc sông khác. Nơi dòng sông nhộn nhịp những chiếc thuyền nan đưa đón khách lại qua hai bên bờ. Chiều muộn, khách du lịch vắng hẳn. Một chiếc ghe cập bến, chủ ghe hồ hởi mời chào: “Anh có qua bờ bên kia không để tôi đưa qua, một nghìn một người thôi!”. Rẻ quá! Nhưng chúng tôi lắc đầu, chủ ghe thở dài chống nước đẩy ghe đi.

 

Trên dòng sông Hoài này, những chiếc ghe chở khách như thế là phương tiện kiếm cơm của nhiều người lao động không có vốn, chỉ lấy công làm lời. Vợ chồng chủ chiếc ghe nan ấy cũng như nhiều người khác phải dựa vào nghề đưa khách qua lại quãng sông Hoài này mà sinh sống, nuôi con. Cứ thế, ngày ngày, chồng chống vợ chèo để nuôi cả gia đình. Mấy người đàn bà bán cá bên bờ nói với chúng tôi về đôi vợ chồng chủ ghe ấy. Cuộc sống của họ đã trôi qua hơn mười năm trên chiếc thuyền đơn sơ kia. Trước đây, anh chồng là Vũ Văn Lam (SN 1972) làm phụ hồ nhưng do sức yếu nên chuyển qua nghề chèo thuyền nan. Chẳng biết lấy gì kiếm sống đuợc ngoài chiếc thuyền nan, trong khi trên khúc sông này đầy những chiếc thuyền khang trang, an toàn, lịch sự..., nhưng anh chị vẫn không nản lòng. Ngày ngày, họ vẫn mời chào, đưa đón khách chỉ mong có vài lon gạo, thêm tiền mua rau cá cho các con.

 

Là thuyền nhỏ nên anh chị chỉ nhận chở khách qua bờ bên kia theo kiểu đò ngang cập bến. Có lẽ con đò chở khách của anh chị chưa bao giờ đầy khách, dù trên thuyền có một hai người đi họ vẫn chèo. Chị Hồng, một khách hàng thường xuyên đi lại trên đò anh Lam tâm sự: “Phải chiều khách chứ để họ đợi quá mười phút là coi như họ bỏ qua đi thuyền khác liền và sẽ chẳng bao giờ họ đặt chân lên thuyền mình nữa”.

 

Vì sợ mất miếng cơm manh áo, sợ mất khách nên họ sẵn sàng bỏ sức lao động của mình. Những chiếc thuyền nan như thế luôn hoạt động hết công suất. Bốn giờ sáng phải có mặt mãi cho đến năm sáu giờ chiều, trung bình mỗi ngày họ kiếm được chừng 20 nghìn đồng. Chừng ấy cho một ngày lao động mệt mỏi và nguy hiểm!
 
Chiều lênh đênh trên sông Hoài - 2
Ngôi nhà của vợ chồng anh Định.

 

Nỗi buồn bờ bãi

 

Nhiều năm về trước, có mấy đợt lũ lịch sử, những đoạn bãi bờ hai bên sông Hoài này bị xói lở nghiêm trọng, có năm trốc luôn vài ngôi mộ ở nghĩa trang Phước Thắng. Một lão nông tri điền thảng thốt nói rằng hai bên bờ bãi này trước đây trồng đầy dương liễu, nhưng nay đã khai thác hết rồi. Chừ trồng tre phòng hộ nhưng đất cát cỗi cằn quá, tre lên như người già. Nghe đâu đang xin cấp trên kè hết đoạn này nhưng chưa biết đến khi nào mới được.

 

Trong khi hai năm qua, toàn bộ hữu ngạn sông Thu Bồn phía làng mộc Kim Bồng dài độ 4km đã được kè đá vững chắc, chỉ còn đoạn này là bỏ ngỏ. Cũng lạ, khúc sông này, dòng nước đang chảy thẳng bất chợt thình lình ngoặt trái từ đầu Triêm Tây sang hướng Thanh Hà, còn một nhánh khác chảy vội về phía Duy Xuyên tìm đường ra sông lớn.

 

Và ở đó, có rất nhiều người không chọn mặt sông, mà lại chọn đáy sông để kiếm ăn với nghề ngụp lặn. Dụng cụ lao động của họ chỉ gồm cái nhủi và cái oi đeo bên hông. Công việc của họ chỉ là lặn xuống đáy sông và nhặt nhạnh những gì có thể bán được.

 

Anh Phạm Văn Định, là một người có thâm niên trong nghề này, lớn lên ở xóm Vạn Chài, bên cửa An Hội chua chát nói, trước đây vóm Vạn Chài vốn nghèo, nhưng ngày nay nó đã đổi đời cùng những cô gái lấy chồng Tây. Anh Định chỉ cho tôi thấy xóm Vạn Chài bây giờ theo hướng mặt trời chiều chiếu chói chang. Nhưng giữa nhiều ngôi nhà khang trang mấy tầng, vẫn còn sót lại nhiều lắm những ngôi nhà dột nát, lụp xụp và những con người phải sống bằng nghề ngụp lặn đáy sông...

 

Từ khi lấy vợ, sinh con, anh Định lại càng gắn đời mình nơi dòng sông Hoài, không có ghe hay đò để đưa khách qua sông như mọi người nên anh mới làm nghề hụp lặn bắt ốc, bắt cá này. Không theo một thứ tự thời gian nào, cũng chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Hằng ngày, anh đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Cả ngày ngâm mình trong nước anh kiếm được hơn 20 nghìn đồng. Đấy là những ngày bình thường. Còn những ngày mưa gió, nước lên thì hầu như anh trở về tay không. Cứ thế, bữa no bữa đói. Công việc này chỉ những người có sức khỏe mới làm nổi. Nhưng khỏe đến thế nào thì liệu có ai trụ được lâu khi dầm mình kiếm ăn trong nước, phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy dưới dòng sông lặng.
 
Chiều lênh đênh trên sông Hoài - 3
Một chuyến đò ngang chở khách qua sông.

 

Chiều muộn, chuyến đò ngang qua phía Cẩm Kim đầy ắp người. Có những tiếng cười rộn rã của các cô cậu học sinh áo trắng tỏa niềm tin trắng ngần lên dáng nhọc nhằn của rất nhiều con người lam lũ sau một ngày lao động vất vả. Phía xa kia bên bến Bạch Đằng, vẻ nhộn nhịp của các hoạt động du lịch nơi đô thị cổ như tương phản với những phận người lặng thầm và mưu sinh vất vả cùng với dòng sông Hoài. Bao giờ thì họ mới thôi ngụp lặn hay trôi đời mình trên sóng nước lênh đênh...

  

Bùi Hữu Cường