Chiêu bẫy cá thòi lòi bằng chai nhựa thú vị của ngư dân Sài Gòn
(Dân trí) - Các chai nhựa bỏ đi, qua bàn tay khéo léo của ngư dân Phan Văn Hận trở thành những chiếc bẫy cực kỳ độc đáo dùng để bắt cá thòi lòi.
Lẩn khuất dưới những tán rừng ngập mặn của huyện Cần Giờ là vô số các sản vật được thiên nhiên ban tặng cho người dân Cần Giờ nói riêng và TPHCM nói chung như: cua biển, cá, tôm, bạch tuộc…Trong đó phải kể đến loài cá rất đặc biệt, trở thành đặc sản của vùng Cần Giờ, đó là cá thòi lòi.
Cá thòi lòi sống trong môi trường tự nhiên nên thịt cá rất thơm ngon và săn chắc. Chính vì vậy, loại cá này được các nhà hàng, quán ăn ở thành phố săn lùng với mức giá rất cao.
Trong một ngày đầu tháng 5, chúng tôi theo chân anh Phan Văn Hận (32 tuổi, quê Hậu Giang, tạm trú huyện Cần Giờ, TPHCM) để tìm hiểu về công việc săn bắt loài cá đặc biệt này.
Anh Hận cho biết, để bắt cá thòi lòi có nhiều cách, như đặt bẫy, đi soi vào ban đêm hoặc dùng câu để câu cá... Trong đó, việc đặt bẫy là phổ biến và hiệu quả nhất.
Loay hoay với bộ “đồ nghề”, nói đồ nghề cho sang chứ thực chất là những chai nhựa bỏ đi mà anh Hận đã thu gom về rồi chế lại thành những chiếc bẫy, người ngư dân Cần Giờ nói: “Mình tận dụng chai dầu ăn, chai nước mắm rồi cắt ngang phần đáy cho nó cụp ra cụp vào được, sau đó buộc sợi chỉ nối phần đáy với phần cổ chai. Khi cá từ dưới hang chui lên xuyên qua đáy chai sẽ nằm gọn trong đó, không ra được”, anh Hận giải thích.
Khoảng 12h trưa, lúc con nước hạ thấp, những hang cá thòi lòi bắt đầu lộ ra. Lúc này, anh Hận với bộ “đồ nghề” khoảng 50 chiếc chai nhựa bắt đầu công việc đặt bẫy của mình.
Để có thể đi xuyên trong trong rừng ngập mặn mà không bị cây đâm, anh Hận đã chuẩn bị cho chúng tôi 1 đôi ủng (đã được chế lại cho phù hợp với việc đi rừng) rồi buộc dây cước để cố định đôi ủng vào chân.
Sau công đoạn chuẩn bị, chúng tôi xuyên qua những gốc đước để tìm hang cá thòi lòi.
Khi phát hiện hang thòi lòi nào, anh Hận đặt phần đáy chai xuống rồi ấn từ từ cho đến khi gần ngập miệng chai, tiếp đó lấy bùn cố định thân chai, việc này giúp giữ các chai nhựa được ổn định, khi cá chui lên sẽ nằm gọn trong chai.
Theo anh Hận, công việc đặt bẫy, tìm hang cá phải thật nhanh, chủ yếu là để kịp đặt hết hơn 50 chiếc bẫy trước khi nước dâng cao.
Cũng theo anh Hận, có thể chỉ 1 con cá thòi lòi nhưng chúng đào đến 3 hoặc 4 cái hang dự phòng. Lúc này, để chắc ăn, mình phải đặt bẫy ở hết số hang xung quanh. “Nước cạn nó chui xuống hang để ẩn nấp, khi nước dâng cao thì nó chui lên đi kiếm ăn là sẽ dính bẫy”, anh Hận nói về tập tính của loài cá thòi lòi.
Sau khi đặt xong số bẫy, chúng tôi ngồi nghỉ giải lao khoảng 2 tiếng để chờ con nước lên.
“Nếu mình thăm bẫy trễ quá khi con nước đã lớn thì cá sẽ ngộp và chết, bán mất giá. Nhưng ngược lại, nếu thu sớm quá thì cá chưa ra khỏi hang. Tầm khoảng 2 tiếng đi thăm bẫy là hợp lý nhất”, anh Hận lý giải.
Sau khi nhìn con nước dưới sông dâng cao, nhắm thời gian đã đủ, anh Hận bắt đầu việc thu bẫy.
Với kinh nghiệm của mình, mặc dù còn cách chiếc bẫy vài mét và chưa chạm tay vào chiếc bẫy như anh Hận vẫn biết là chiếc bẫy đó có dính cá hay không. “Nó lên và dính bẫy là quẫy mạnh lắm, với những con lớn có thể kéo cả chai nhựa đi một đoạn nên rất dễ nhận biết, anh Hận giải thích.
Kết quả hôm nay không như mong đợi, chỉ được 8 chú thòi lòi dính bẫy, anh Hận hơi thất vọng. Với 8 chú thòi lòi, trọng lượng hơn 1 ký, anh Hận chỉ bán được 250.000 đồng cho khoảng 4 tiếng lội rừng.
Anh Hận cho biết, nếu những ngày may mắn, cũng với số lượng bẫy như vậy, anh có thể thu về 3-4 ký cá, bán được cả triệu đồng.
Cá thòi lòi có chế biến được nhiều món ăn rất ngon như: nướng muối ớt, kho tiêu, nấu lẩu. Hiện nay, giá cá thòi lòi thương lái thu mua tại chỗ là 250.000 đồng/kg; còn tại các quán ăn thì giá tăng lên rất cao, trung bình 350-400.000 đồng/kg.
Một số hình ảnh quá trình đặt bẫy bắt cá thòi lòi do PV Dân trí ghi lại:
Đình Thảo