1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chiến dịch “chạy” giấy phép lái xe ô tô

Trước khi việc sát hạch tay lái chuyển sang hình thức chấm điểm tự động (1/4/2006), hình như có một chiến dịch chạy đua rất sôi động, nhằm lấy giấy phép lái xe sớm bằng mọi giá…

Một cán bộ ở cơ sở đào tạo lái xe từng nói rằng, đào tạo và cấp bằng là chuyện của chúng tôi, còn đi được ra đường  hay không là chuyện của người học. Câu này không phải là không có lý.

 

Anh Đ. bạn tôi làm trong lực lượng vũ trang, muốn học lái xe nhưng không có thời gian. Thế là anh quyết định học kiểu... cóc nhảy.

 

Lý thuyết thì tự ôn luyện trong 1 tuần với “cẩm nang” 300 câu hỏi và một số "mẹo vặt" do giáo viên mách nước. Thi thực hành thì có sát hạch viên "đỡ cho". Tất nhiên, để được “đỡ cho" như thế, ngoài tiền bồi dưỡng chung, anh phải "động viên" riêng vị sát hạch viên mấy trăm ngàn.

 

Chuyện thi GPLX kiểu anh Đ. chẳng phải hiếm. Thậm chí, có người không học buổi nào mà vẫn đi thi và vẫn... đỗ.

 

Một năm qua, ở Hà Nội, tỷ lệ đăng ký ô tô tăng nhanh kéo theo sự gia tăng các vụ tai nạn ôtô. Một CSGT thường xuyên trực tiếp giải quyết những vụ tai nạn giao thông cho biết, khi được hỏi về một biển báo giao thông hết sức đơn giản, nhiều lái xe trực tiếp gây tai nạn... không biết. 

 

Người dân thường có quan điểm “tập lái cho quen tay”, không chú trọng đến học luật. Cho nên rất nhiều vụ tai nạn giao thông bắt nguồn từ nguyên nhân người lái không hiểu hoặc không đọc được biển báo trên đường.

  

Thời gian này, nhiều người muốn đi học lái xe ôtô để đón đầu cơ hội sở hữu một chiếc xe cũ sau 1/5. Tuy nhiên, từ lúc đăng ký, học đến lúc thi sát hạch phải đợi rất lâu. Trong khi đó, có thông tin từ 1/4/2006 phải thi sát hạch thực hành lái xe theo kiểu chấm điểm tự động. Như vậy độ khó sẽ tăng lên rất nhiều.

 

Kết quả chấm qua máy là rất chính xác, phản ánh đúng học lực, tay nghề của thí sinh. Nhưng nhiều người lại mong muốn có bằng lái xe nhanh, muốn thi sát hạch dễ dàng, và thế là phải “chạy”.

 

Có hai loại  “chạy”: “chạy” để “mua” thời gian, thi trước ngày 1/4. “Chạy” khỏi khu vực thi sát hạch chấm bằng hệ thống máy tự động, để tiếp tục được thi sát hạch chấm thủ công.

 

Anh H. - một người dạy lái xe - cho biết, nếu đăng ký học ngay từ bây giờ, tháng 5 có bằng giá 6 triệu đồng, tháng 3 có bằng giá hơn 10 triệu đồng. Sau 1/4, người học muốn thi kiểu thủ công sẽ được đưa lên tận Tuyên Quang, Phú Thọ...

  

Tuy nhiên, đón đầu khả năng "lách" này, Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, sẽ siết chặt các khâu đào tạo, sát hạch và cấp phép; tăng cường kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe. Các cơ sở đào tạo phải chịu trách nhiệm hoàn thiện kỹ năng hành nghề cho người lái xe. Cơ sở nào tiếp tục có số thí sinh dự thi sát hạch đạt quá thấp có thể bị đình chỉ hoạt động.

 

Ngoài ra, trên một địa giới hành chính thì chỉ thi sát hạch theo một hình thức. Người học đã đăng ký học tại cơ sở đào tạo ở Hà Nội chắc chắn phải thi sát hạch trên máy chấm tự động. Còn một số tỉnh miền núi sẽ được thi theo hình thức cũ - chấm điểm thủ công - đến hết năm 2006.

 

Theo Quang Đông - Phùng Sưởng
Tiền Phong