1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chiếc mũ phi công lưu lạc 1/4 thế kỷ tại Việt Nam của Thượng nghị sỹ John McCain

Trong Văn phòng Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain có một bức ảnh lồng khung kính được đặt ở vị trí trang trọng, ghi thời khắc John McCain được người dân Việt Nam cứu tại hồ Trúc Bạch, sau khi chiếc máy bay của ông bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội…

Trong chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ đầu tháng 7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Văn phòng Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain. Ngài thượng nghị sỹ đã nồng nhiệt chào đón vị khách đặc biệt, thẳng thắn trao đổi ý kiến rồi giới thiệu với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam những hiện vật trưng bày tại Văn phòng gắn với cuộc đời, sự nghiệp của ông, một cựu binh và chính khách nổi tiếng từng 2 lần là ứng cử viên Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Trong số các hiện vật, có một bức ảnh lồng khung kính được đặt ở vị trí trang trọng, ghi thời khắc John McCain được người dân Việt Nam cứu tại hồ Trúc Bạch, sau khi chiếc máy bay của ông bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội…

Tù binh danh giá

Gần nửa thế kỉ trước vào buổi trưa ngày 26/10/1967, trong trận chiến đấu bảo vệ Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội), Tiểu đoàn tên lửa 61 (Trung đoàn 236) đã bắn rơi một chiếc máy bay A-4E của không quân Hoa Kỳ. Viên phi công bị trọng thương, đã nhảy dù và rơi xuống hồ Trúc Bạch; đó là Thiếu tá John McCain, người sinh trưởng trong một gia đình có cha và ông nội đều là đô đốc Hải quân Mỹ…

Sau này, khi đã trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ, John McCain nhiều lần sang Việt Nam, ngoài công việc chung về mối bang giao hai nước, điều ông luôn đau đáu là tìm lại những kỷ vật của mình sau khi trở thành vị khách trong “Khách sạn Hilton – Hà Nội”, tức nhà tù Hỏa Lò.

Đại tá Phạm Đức Đại (bên phải) trao cho Thượng nghị sĩ John Kerry chiếc mũ của phi công John McCain.
Đại tá Phạm Đức Đại (bên phải) trao cho Thượng nghị sĩ John Kerry chiếc mũ của phi công John McCain.

John McCain sinh năm 1936 tại Căn cứ Không quân Coco Solo trong Vùng Kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát. Cha và ông nội của McCain đều đô đốc của Hải quân Hoa Kỳ và họ là cặp cha con đầu tiên của nước Mỹ cùng đạt đến cấp bậc đô đốc bốn sao.

Được hưởng nền giáo dục toàn diện và chịu ảnh hưởng sâu sắc của một gia đình có truyền thống binh nghiệp, đã hình thành nên một John McCain đầy cá tính, ưa mạo hiểm. Năm 1958, ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ và sau đó 2 năm tốt nghiệp khoá đào tạo phi công, trở thành một phi công hải quân. Khi bắt đầu chiến dịch Rolling Thunder (Sấm rền, năm 1967), John McCain đã nhiều lần lái máy bay đánh phá các mục tiêu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; tính đến giữa tháng 10/1967, ông ta đã thực hiện 22 phi vụ và trở về an toàn.

Nhưng tài năng và sự may mắn của Jonh McCain không kéo dài lâu bởi lưới lửa phòng không dày đặc và hiệu quả của Việt Nam. Ngày 26/10/1967, John McCain điều khiển chiếc A-4E Skyhawk (tức Chim ưng nhà trời, một niềm tự hào của Hải quân Mỹ, chỉ kém tên tuổi của pháo đài bay B52) từ một hàng không mẫu hạm đậu trên Thái Bình Dương, bay vào vùng trời Hà Nội nhắm tới các mục tiêu trọng yếu như cầu Long Biên, Nhà máy Điện Yên Phụ.

John McCain được những người dân Việt Nam cứu sống sau khi rơi xuống hồ Trúc Bạch (Ngày 26/10/1967).
John McCain được những người dân Việt Nam cứu sống sau khi rơi xuống hồ Trúc Bạch (Ngày 26/10/1967).

Hôm đó là mùa thu của Hà Nội, trời rất trong xanh. Lúc 11h30’, từ trong máy bay, John McCain nhìn rất rõ Nhà máy điện Yên Phụ nằm cách bờ sông Hồng không xa. Từ độ cao hơn 8.000m, ông ta cho máy bay bổ nhào xuống để cắt bom thì đúng lúc ấy, một quả tên lửa bất thần lao tới gây ra vụ nổ kinh hoàng với chiếc A-4E khiến nó cắm đầu xuống bãi xỉ than của Nhà máy Điện Yên Phụ.

John McCain bị nhiều mảnh kim loại do vụ nổ gây ra găm vào người nhưng ông ta vẫn kịp bung dù và rơi xuống giữa hồ Trúc Bạch. Mình mẩy đầy thương tích, John McCain hoảng loạn gần như tuyệt vọng thì một số người dân Hà Nội đã bất chấp nguy hiểm lao ra khỏi hầm trú ẩn nhảy xuống hồ bơi về phía viên phi công đang chìm dần.

Khi được đưa lên trên bờ, John McCain lại đối mặt với nguy cơ bị những người dân đang bừng bừng căm hờn trút giận lên kẻ đã mang bom đạn giội xuống đầu họ. Rất may, lực lượng bộ đội, Công an có mặt và đưa John McCain vào trại giam… Hai tháng sau khi Hiệp định Paris được kí kết, ngày 14/3/1973, cùng với nhiều người bạn tại “Khách sạn Hilton Hà Nội”, John McCain được trao trả về cố hương.

Bản danh sách đặc biệt

Trỏ về từ Việt Nam, John McCain tích cực tham gia chính trường và đã liên tiếp đắc cử Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và là chính khách nổi tiếng đã 2 lần ra tranh cử Tổng thống. Cùng với Thượng nghị sĩ John Kerry (đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ), người từng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trong những thập niên 60-70 của thế kỉ trước, John McCain đã tác động, thúc đẩy chính quyền Tổng thống Clinton dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận năm 1994 và bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995.

Xem các bức ảnh chụp lúc bị bắn rơi và trong trại giam, Thượng nghị sỹ John McCain hóm hỉnh: Tôi hồi ấy cũng đẹp trai đấy chứ!
Xem các bức ảnh chụp lúc bị bắn rơi và trong trại giam, Thượng nghị sỹ John McCain hóm hỉnh: Tôi hồi ấy cũng đẹp trai đấy chứ!

Cả hai vị thượng nghị sĩ này đã nhiều lần sang Việt Nam để giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA). Ông John Kerry từng là Chủ tịch Ủy ban tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam của Thượng viện Hoa Kỳ.

Trong một dịp lấy tư liệu cho loạt bài “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tôi được gặp Đại tá Phạm Đức Đại, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam). Có thể nói, với gần 50 năm quân ngũ, nhiều năm làm Giám đốc Bảo tàng Quân đội, ông Đại là một “kho tư liệu” về lịch sử Quân đội ta. Ông đã kể lại với chúng tôi những lần gặp gỡ, làm việc với Thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry.

Đầu năm 1992, Đại tá Phạm Đức Đại được lãnh đạo Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ tiếp, làm việc với hai Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và John Kerry về vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Là người giữ nguyên tắc và thận trọng, ông Đại lên gặp đồng chí lãnh đạo cấp cao của Tổng cục Chính trị, bày tỏ: “Thưa anh, hiện một số người Mỹ vẫn cho rằng sau chiến tranh, chúng ta còn giam giữ tù binh Mỹ. Cá nhân tôi không tin điều đó, nhưng tôi muốn hỏi anh ở vị trí cao, trách nhiệm lớn chắc anh có nhiều thông tin, thì sự thực như thế nào?”.

Đồng chí lãnh đạo tươi cười khẳng định: “Anh đừng băn khoăn gì cả. Ngay khi những tù binh Mỹ đầu tiên bị bắt từ thời kì đầu cuộc chiến, Bác Hồ đã chỉ thị phải đối xử nhân đạo với họ để sau này trao trả toàn bộ cho phía Mỹ. Thực tế chúng ta đã làm đúng như vậy”.

Giải toả được nỗi băn khoăn, ông Đại tự tin làm việc hai vị Thượng nghị sĩ Mỹ có nhiều duyên nợ với Việt Nam. Sau màn chào hỏi xã giao, ông John Kerry đưa ra một bản danh sách dài những thông tin cá nhân về hơn 1.000 trong tổng số 2.265 quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ông Đại đọc lướt qua, rồi chân thành nói với ông Kerry: “Đây là việc làm vượt quá với khả năng của tôi. Ông có thể rút ngắn lại danh sách này?”. Ông Kerry đã rút ngắn lần 1, rồi tiếp đến lần 2 và những lần sau nữa theo thứ tự ưu tiên; để rồi chỉ còn 24 trường hợp cần làm rõ càng sớm càng tốt. Đây là những trường hợp mất tích có rất nhiều uẩn khúc, thậm chí một bộ phận chính giới Mỹ còn cho rằng những người này hiện (thời điểm năm 1992) vẫn đang bị bí mật giam giữ ở Việt Nam hoặc Việt Nam đã bàn giao họ cho Liên Xô (hoặc Cuba) để khai thác bí mật quân sự?

Nhận bản danh sách đặc biệt, ông Đại đã chỉ đạo các cán bộ thuộc cấp tìm kiếm trong kho tư liệu, hiện vật lưu trữ. Tuy nhiên, không một thông tin nào liên quan đến 24 người này được phát hiện. Không nản lòng, họ sang Thông tấn xã Việt Nam phối hợp kiểm tra lại toàn bộ ảnh chụp binh lính, phi công Mỹ chụp được trong chiến tranh và đã thu được thông tin quý giá: Bức ảnh xác chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Quảng Bình, có số hiệu máy bay và ảnh xác viên phi công Morison (rõ cả mặt và bảng tên cùng số hiệu quân nhân trên trên bộ quần áo bay).

Phi công Morison là người có tên trong bản danh sách 24 trường hợp đặc biệt mà Thượng nghị sĩ John Kerry trao cho Đại tá Phạm Đức Đại. Trong lần sau trở lại Việt Nam, khi xem các bức ảnh này, cả hai ông John McCain và John Kerry đều kinh ngạc và xúc động nói: “Từ lúc này, chúng tôi hoàn toàn không tin vào việc người Việt Nam còn giam giữ các quân nhân Mỹ. Chúng tôi đã hiểu sự chân thành của các bạn Việt Nam”.

Chiếc mũ lưu lạc ¼ thế kỷ

Người Mỹ dường như rất coi trọng những kỉ vật cá nhân, dù nó gắn với một quá khứ đau buồn của họ. John McCain đã nhiều lần trở lại Việt Nam và luôn mong muốn gặp lại những người đã bắn hạ ông, cũng như những người đã cứu ông khỏi chết đuối tại hồ Trúc Bạch năm nào. Với thiện chí của phía Việt Nam, mong muốn này của vị Thượng nghị sỹ - cựu phi công đã được toại nguyện.

Tuy nhiên, một nguyện vọng lớn của John McCain là tìm lại chiếc mũ phi công mà ông sử dụng khi bị bắn rơi, thì rất khó đáp ứng bởi việc tìm kiếm chẳng khác nào “mò kim đáy bể”… Nhưng ông cũng được an ủi phần nào khi được vị Giám đốc Bảo tàng Quân đội trao tặng những bức ảnh quý báu: ảnh McCain lóp ngóp dưới hồ Trúc Bạch và được người dân cứu vớt; ảnh trong bệnh viện và trong “Hilton – Hà Nội”.

Khi xem lại hình ảnh độc đáo của mình gần 30 năm trước, John McCain hóm hỉnh: “Tôi hồi đó cũng đẹp trai lắm đấy chứ!”. Và vị Thượng nghị sĩ Mỹ tha thiết đề nghị ông Đại: “Nếu có thể, mong ngài tìm lại giúp chiếc mũ phi công của tôi?”.

Được sự đồng ý của cấp trên, ông Đại đã chỉ đạo một số cán bộ của mình nỗ lực tìm kiếm qua hàng trăm trang hồ sơ, báo cáo và nhiều nhân chứng; cuối cùng xác định được chiếc mũ của John McCain nằm trong kho của Huyện đội Từ Liêm (Hà Nội). Sau khi kiểm tra những thông tin về chiếc mũ phi công chiến đấu đặc biệt này và xác định nó đúng là của John McCain, tháng 11/1992, phía Mỹ đã sang Hà Nội và tổ chức một buổi lễ tiếp nhận long trọng.

Vì lí do đột xuất, Thượng nghị sĩ John McCain không có mặt và đã uỷ nhiệm Thượng nghị sĩ John Kerry nhận lại kỉ vật của mình đã lưu lạc một phần tư thế kỉ. Giới truyền thông Mỹ với công nghệ hiện đại đã nhạy bén lập cầu truyền hình tường thuật trực tiếp sự kiện này tới toàn thể công chúng Mỹ. Nhận chiếc mũ của phi công John McCain từ Đại tá Phạm Đức Đại, Thượng nghị sĩ John Kerry đã xúc động đỡ lấy và nói những lời chân thành từ trái tim mình: “Tôi tin rằng, với thiện chí của phía Việt Nam, quan hệ hai nước sẽ sớm được bình thường hoá và phát triển không ngừng”.

Theo Trần Duy Hiển
Công an nhân dân