1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chia sẻ “lạnh người” của một thợ săn rắn độc

(Dân trí) - “Để “thu phục” rắn độc, chẳng những phải học nghề hẳn hoi mà còn phải thử thách chính tính mạng của mình bằng cách cho rắn độc cắn rồi tự lấy thuốc chữa trị. Nếu 3 lần đều qua khỏi thì coi như “ra trường” - một thợ săn rắn độc tiết lộ.

Bái sư học nghề câu rắn độc

Sau một ngày đi cắm câu rắn (chủ yếu là biểu diễn tài nghệ), anh Lê Thanh Hiền (tên nhân vật đã được thay đổi) ở Hậu Giang - một “sư phụ” trong nghề cắm câu rắn hổ mang, chia sẻ về cái duyên đến với nghề “độc” này.

Anh Hiền cho biết: “Trước đây gia đình chủ yếu làm nghề bán vôi nên cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày. Trong một lần cho ông thầy bắt rắn đi nhờ ghe, tôi quen ông và được ông cho theo học nghề. Mới đầu tôi chưa nhận lời nhưng sau một chuyến đi cắm câu rắn với ông, tôi quyết định bái sư học nghề. Vì một là để mưu sinh, hai là để cứu người bị rắn độc cắn”.

Khi được thầy chỉ dạy, bài học đầu tiên anh Hiền học là cách nhận biết các loại thảo dược và cách phân biệt chúng với các loài tương tự. Phải khắc sâu vào trí nhớ vì nếu không, khi gặp tình huống bị rắn độc cắn, không giữ được bình tĩnh sẽ dễ hái nhầm thuốc, khi đó rất nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, theo anh Hiền, bài học đầu tiên tuy đơn giản nhưng lại quan trọng nhất trong các bài học là “thu phục” rắn độc.

Nghề cắm câu rắn độc phải băng đồng, lội ao, vượt đường xa hàng chục kilomet...
Nghề cắm câu rắn độc phải băng đồng, lội ao, vượt đường xa hàng chục kilomet...

Sau khi thông thạo các bài thuốc, đến phần thực tập. Đến phần này, anh Hiền phải tự đi bắt rắn độc bằng cách cắm câu, đào hang hay nhử thuốc… Khi bắt được rắn, anh để rắn cắn rồi tự hái thuốc chữa trị. Cũng may những bài thuốc của sư phụ truyền lại, anh Hiền nhớ như in nên sau 3 lần “thử độc”, anh Hiền đều qua khỏi, không cần đến sư phụ ra tay cứu chữa.

Trải qua hơn 2 tháng học nghề, anh Hiền tỏ tường các bài thuốc chữa rắn độc cắn và cách bắt rắn. Sư phụ của anh Hiền sau đó đã đi nơi khác truyền nghề, đến nay anh Hiền cũng không gặp lại nữa. Cũng từ đó, anh Hiền bắt đầu sống chết với nghề câu rắn độc.

Kể lại câu chuyện thập tử nhất sinh khi bị rắn độc cắn trong một lần đi cắm câu, anh Hiền nói: “Làm nghề này tôi biết trước sau gì cũng bị nạn, nhưng không ngờ chỉ trong thời gian ngắn mà tôi bị rắn độc cắn đến 3 lần. Trong những lần đó có lần bị rắn cắn ở giữa đồng lại có một mình nên tôi đã tự chạy chữa để giành giật mạng sống cho mình. Không có vật dụng nên tôi đã dùng hàm răng làm thẳng lưỡi câu rồi lấy bớt máu độc, sau đó lấy thuốc mang theo bên mình đắp vào vết cắn. Đến nhà dân tôi hái thuốc đắp tiếp vào vết thương. Lúc đó, cơ thể tôi đã gần như tê cứng, lồng ngực nóng ran, nếu chậm vài phút là mất mạng như chơi”.

Việc cắm câu rắn phải lội đồng xa hàng chục cây số mỗi ngày và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Muốn có thu nhập đều từ nghề này, phải đi làm ở các tỉnh như Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ; mỗi ngày phải lội bộ từ 40 – 50 cây số. Ngoài rắn hổ đất còn nhiều loại rắn độc khác và mỗi loại rắn độc lại có bài thuốc chữa nọc rắn khác nhau. Anh Hiền nói vui: Học nghề bắt rắn độc mà còn yếu nghề thì đừng “ra gió”!

Tối đi ngủ lo bị rắn trả thù!

Anh Hiền chia sẻ: “Nguy hiểm nhất là các trường hợp rắn theo cặp. Tức con cái dính câu còn con đực nằm ngoài chờ đến khi nào mình tới là nó cắn liền. Và không ít trường hợp người câu rắn đã bỏ mạng vì gặp trường hợp này. Do vậy, khi đi thăm câu, khi còn cách cần câu hơn 1m, tôi đạp nhẹ dấu chân để nếu rắn nằm ở đó thì dễ phát hiện và bắt nó trước, sau đó mới gỡ con ăn câu”.

Bởi theo anh Hiền, rắn hổ chúa (đực) thường nằm cuộn tròn và đợi sẵn ở dấu chân hôm trước mình để lại khi đi cắm câu. Nó đánh hơi và nằm cạnh nơi con rắn cái mắc câu. Mỗi năm, khi cắm câu, anh Hiền gặp được gần chục trường hợp như thế.

Không chỉ vậy, có hôm vội vàng để mồi thuốc trong nhà không buộc kín, rắn độc cũng tìm đến. Đối với loài rắn chúa, khi mình bắt một con thì con còn lại sẽ tìm đến để trả thù. Do vậy làm nghề này đến khi đi ngủ cũng phải hết sức cẩn thận.
 
“Nhiều lúc đi làm nghề, tối về ngủ treo thuốc trên vách cạnh mùng. Đêm đến rắn tìm đến để tha thuốc đi. Nếu mình không phát hiện rắn đã lấy hết thuốc và sẽ quay lại tấn công thì vô phương cứu chữa”.

Nghề cắm câu rắn độc phải băng đồng, lội ao, vượt đường xa hàng chục kilomet...
Vì tính chất quá nguy hiểm của nghề nên anh Hiền đã bỏ nghề bắt rắn, chỉ chuyên tâm cứu chữa cho người bị rắn độc cắn

Một quy tắc nữa là trên đường đi tìm chỗ cắm câu phải để ý tìm cây thuốc dọc đường để nếu có bị rắn cắn còn biết chỗ tìm đến. Điều đặc biệt nữa là trước khi đi làm đừng quên tha thuốc vào cổ tay áo, để đề phòng rắn hổ chúa cắn và một số loài rắn khác tấn công. Lúc điều trị rắn cắn, người bị cắn không được tiếp xúc với thuốc lá trong 24 tiếng đồng hồ vì nếu hút thuốc, đờm giữ ở cổ và nọc độc rút vào trong cơ thể sẽ dẫn đến tử vong.

Làm nghề cắm câu rắn đến nay đã gần 20 năm, nhắc lại câu chuyện bắt rắn ở Hậu Giang, anh Hiền vẫn thấy rùng mình: “Nhớ cách nay hơn 10 năm, chỉ trong một bữa về nghĩa trang thuộc thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành cắm 20 cần câu mà tôi bắt được tới 15 con rắn to, nhiều nhất là rắn hổ đất, thu nhập cũng gần 20 triệu đồng. Nhưng khi tôi đến đó, xung quanh toàn da rắn mới lột mà chân tôi không dám bước. Rậm rạp quá nên không dám liều vô chứ không còn bắt được nhiều hơn số đó”.

Hiện tại, biết nghề bắt rắn độc của mình vừa nguy hiểm, vừa vi phạm pháp luật nên anh Hiền đã bỏ nghề. Nay anh chỉ tập trung chữa rắn cắn cho bà con trong vùng. Cũng có khi anh phá lệ đi bắt rắn khi hay tin ở đâu đó có con rắn độc hoành hành, thường tấn công người dân...

Nguyễn Hành - Nhân Nguyễn