Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân:
“Chia sẻ áp lực, chắc tóc sẽ ít rụng hơn”
(Dân trí) - “Áp lực lớn lắm nhưng tôi cố gắng chia sẻ với 7 Phó Chủ tịch, với 63 Chủ tịch Mặt trận các tỉnh, 46 tổ chức thành viên. Nếu làm tốt việc hiệp đồng, chắc tóc cũng sẽ ít rụng hơn”- uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nói.
UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang hướng tới Đại hội lần thứ VIII (sẽ diễn ra từ ngày 25- 27/9 tại Hà Nội) với chủ đề “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển”. Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội cũng nhấn mạnh vấn đề dân chủ, đổi mới. Mặt trận đang kỳ vọng tạo ra những thay đổi đột phá sau một giai đoạn trầm lặng vừa qua?
Đoàn kết là nói lên chức năng của Mặt trận, tập hợp đoàn kết nhân dân trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh dân tộc, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Dân chủ là ở cả hai phía, trong hệ thống Mặt trận cũng phát huy dân chủ, phát huy sáng kiến của nhân dân từ cơ sở để có chương trình hoạt động hợp lý đồng thời hoạt động của Mặt trận, góp phần quá trình dân chủ trong xã hội. Về đổi mới, vừa phải đổi mới công tác Mặt trận, góp phần vào đổi mới của đất nước. Và phát triển, mặt trận cũng phải phát triển cùng góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Trong chủ đề này, vế phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và sức mạnh của chúng ta. Bên cạnh đó, nội dung lớn thứ 2 là giữ vững hòa bình chủ quyền quốc gia. Đó là những đòi hỏi hiện nay và trong thời gian tới. Nhà nước định mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhưng chúng tôi thêm “hạnh phúc”- “hạnh phúc” này là thước đo sức sống của mặt trận đối với cơ sở.
Dư luận cho rằng, thời gian qua, vị thế của mặt trận có phần giảm sút cho với giai đoạn trước, thời của Chủ tịch Phạm Thế Duyệt - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị. Ngồi vào ghế Chủ tịch Mặt trận thời điểm này, cũng là một uỷ viên của Bộ Chính trị được TƯ Đảng giao nhiệm vụ phụ trách công tác Mặt trận, việc này có tạo ra áp lực đối với ông?
Chính thức thì cho đến thời điểm này, chưa có lúc nào, về mặt Đảng hay Mặt trận, nhận định rằng vị thế của mặt trận giảm sút so với trước. Tôi xin ghi nhận ý kiến này nhưng đúng là đánh giá chung như thế thì không có bởi vì vai trò của Mặt trận mỗi thời kỳ, giai đoạn một khác nhau. Giai đoạn trước khi có chính quyền, Mặt trận là nơi tập hợp toàn dân. Thời kỳ có chính quyền nhưng trong bối cảnh thời bao cấp lại khác, có chính quyền mà làm kinh tế thị trường cũng khác và có chính quyền mà giữa thời hội nhập quốc tế lại càng khác. Mỗi thời kỳ đều có đặc điểm mà công tác mặt trận cần cố gắng vươn lên để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Hiện tại, đúng là Mặt trận có nhiều thách thức nhưng cũng có những thời cơ. Chưa bao giờ vị trí của Mặt trận về mặt chính trị được đề cao như trong Hiến pháp hiện hành. Hiến pháp nói Mặt trận có quyền và có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Khi chúng tôi làm chức năng đó theo Hiến pháp, cơ quan liên quan phải ủng hộ, phải hỗ trợ làm nhiệm vụ của Mặt trận.
Ví dụ như lâu nay, tại các kỳ họp Quốc hội hàng năm, Mặt trận vẫn tập hợp ý kiến của hàng nghìn người dân các nơi gửi tới Quốc hội. Những vấn đề đó, suy cho cùng là liên quan công tác của các bộ, ngành. Tuy nhiên, thông thường, dù lãnh đạo Mặt trận có trình bày những vấn đề này trước Quốc hội thì cũng ít bộ ngành trả lời những ý kiến, kiến nghị của chúng tôi trước Quốc hội. Nhưng kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua, tôi trình bày ý kiến, 6 vấn đề nhân dân, cử tri quan tâm, kiến nghị thì có 9 Bộ trưởng ký văn bản trả lời. theo tôi. Như vậy, sau khi Hiến pháp ra đời vào tháng 12 năm ngoái, các cơ quan đã nhận thức, thấy được trách nhiệm hơn. Chúng tôi thấy đó là thời cơ.
Việc Mặt trận mất vị thế trong xã hội, theo đánh giá của dư luận, có nhiều ý kiến cho là do vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận không được chú trọng, thể hiện rõ như trước đây?
Theo Hiến pháp, Mặt trận được giao trách nhiệm làm cơ quan giám sát, phản biện nhưng giám sát cái gì, khi giám sát người được giám sát phải hợp tác như nào, mình giám sát xong thì ai chế tài… Giải quyết việc Mặt trận Tổ quốc đi giám sát nhưng không chế tài được, tháng 12/2012, Bộ Chính trị có quyết định 127, 128 về cơ chế giám sát phản biện, quán triệt, khi Mặt trận đi giám sát rồi, đã chuyển chất vấn, kiến nghị cho chính quyền địa phương thì các cơ quan này phải trả lời. Không có cơ chế này, trước đây họ không trả lời Mặt trận cũng không ý kiến gì được.
Như vậy, nói một lần nữa, thách thức thì nhiều nhưng Mặt trận cũng có nhiều thời cơ để thực hiện được những điều nhân dân mong mỏi.
Có Mặt trận thì sức mạnh người dân được phát huy hơn, cùng một khoản tiền chi tiêu của đất nước như thế nhưng người dân được hướng dẫn hành động, phát huy sáng tạo thì hiệu quả cuối cùng tăng thêm nhiều mà không phải tốn thêm chi phí. Hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là như thế.
Có mặt trận, Đảng sẽ trong sạch hơn, vững mạnh hơn, chính quyền sẽ gần nhân dân hơn, hiệu quả hơn. Thể chế chính trị của chúng ta chỉ có một Đảng nhưng có Mặt trận.
Cụ thể về áp lực đối với cá nhân ông với vai trò là Chủ tịch UB Trung ương MTTQ để làm sao tới đây, vị thế của Mặt trận được nâng lên tương xứng với sự thể hiện của Hiến pháp mới?
Áp lực lớn lắm chứ nhưng tôi cũng cố gắng chia sẻ áp lực với 7 Phó Chủ tịch còn lại nữa và cũng chia sẻ trách nhiệm với Chủ tịch MTTQ ở 63 tỉnh thành. Thực ra MTTQ ở cấp TƯ không làm trực tiếp hết với dân được đâu nhưng nếu có chương trình, có sáng kiến của 63 Chủ tịch MTTQ các tỉnh và sáng kiến của 46 tổ chức thành viên chia sẻ với Đoàn Chủ tịch, nếu làm tốt việc hiệp đồng, chắc tóc cũng sẽ ít rụng hơn (cười).
Trọng tâm chương trình hành động sắp tới của ông thế nào, Mặt trận sẽ ưu tiên vấn đề gì?
Trong ngắn hạn thì trọng tâm công tác của lãnh đạo Mặt trận nói chung và của tôi nói riêng là tiếp thu ý kiến đóng góp của các đoàn thể nhân dân và của Đảng để hoàn thiện báo cáo Chính trị tại Đại hội tới sao cho có chất lượng, trong đó có 5 chương trình hành động phải triển khai. Còn bước sau đó, ở cấp Trung ương, Mặt trận phải phối hợp với đoàn thể ở Trung ương triển khai các công tác. Ví dụ, có 5 nội dung giám sát đã thống nhất rồi, trong đó 3 nội dung đã ký, sẽ phải triển khai ngay. Việc này không dễ dàng chút nào vì triển khai giám sát ở cấp quốc gia là việc mới, Mặt trận chủ trương phải làm thí điểm, sau đó mới nhân rộng ra.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)