1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân:

Mong các giáo sư, tiến sĩ đóng góp mạnh mẽ hơn cho đất nước

(Dân trí) - “Nhà nước chủ trương “đặt hàng” các nhà khoa học giám sát, phản biện các vấn đề xã hội nhưng thấy nơi nào đang có nhu cầu, các GS, TS có thể chủ động vào cuộc. Mong các nhà khoa học không nản lòng để cùng kiên trì thuyết phục người dân cùng cống hiến”…

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân động viên và nêu yêu cầu với các nhà khoa học, đội ngũ trí thức của nước nhà trong cuộc làm việc với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam sáng 6/9.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước, hiện đang là Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đề cập vấn đề vai trò phản biện chính sách của các nhà khoa học. Theo GS Đăng, để hoạt động phản biện đi vào thực chất, cần có những Hội đồng khoa học độc lập như GS Nguyễn Thiện Nhân từng đề cập khi xây dựng Hội đồng cạnh tranh, làm công tác tư vấn chính sách cho Thủ tướng.

Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nêu nguyện vọng làm sao giới khoa học được thực sự trân trọng, thành quả khoa học được khai thác để đi vào cuộc sống thì các nhà khoa học sẽ không tiếc sức lực, phát huy khả năng để đóng góp cho xã hội.

Tâm đắc với ý kiến này, GS Trần Tứ Hiếu - Phó Chủ tịch Hội khoa học phân tích hoá lý - mong giới trí thức được tôn trọng hơn nữa, các tổ chức nhà nước và cả xã hội tăng cường khai thác để tận dụng được những người đã từng làm việc, nghiên cứu rất lâu năm, có nhiều kinh nghiệm. Muốn vậy phải có cơ chế để các nhà khoa học tham gia phản biện và đã có tiếng nói phản biện thì phải có hoạt động phản hồi, thực hiện.
 
“Nhà nước “đặt hàng” giáo sư, tiến sĩ giám sát các vấn đề xã hội”
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cùng Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân thăm phòng thí nghiệm, lắng nghe ý kiến của nhà khoa học của Liên hiệp hội KH-KT VN.

GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội Sinh học Việt Nam - quả quyết, giới trí thức Việt Nam rất nhiệt tình, hăng hái và có năng lực. Nhưng tại sao nền khoa học nước nhà vẫn chưa bứt phá được?

GS Nguyễn Lân Dũng đề xuất cơ chế mở để các nhà khoa học cũng có thể tham gia thị trường, cũng tạo ra sản phẩm để có thể tự nuôi nhau, giống như mô hình ở nhiều nước ngoài. 700 triệu USD mỗi năm Quốc hội dành cho phát triển khoa học nên được tập trung theo hướng đầu tư làm những viện, trung tâm nghiên cứu có thu như này.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - lập luận, tư vấn, giám sát, phản biện, đối với những vấn đề đòi hỏi phân tích sâu, có chuyên môn sâu thì việc tận dụng đội ngũ trí thức hết sức quan trọng. Ghi nhận MTTQ đã có cơ chế tin tưởng, tận dụng đội ngũ trí thức, khoa học nước nhà, GS Thái bày tỏ hi vọng có những bước tiến tiếp theo để các nhà khó học có thể tham gia những đề tài cụ thể như xây dựng kinh tế biển đảo theo “đơn đặt hàng” của Bộ KH&ĐT.

GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thì gợi ý việc đổi mới các tổ chức khoa học công nghệ, nhất là về vấn đề phản biện, cơ chế tư vấn độc lập để chất lượng các chương trình, đề án đáp ứng yêu cầu xã hội.

“Phản biện nếu không độc lập thì chất lượng đóng góp hạn chế. Muốn thế, phản biện phải thông qua hội đồng chuyên ngành sâu. Như đề tài phản biện về kinh tế biển đảo, việc đầu tư cho lĩnh vực này rất phân tán, đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng này cũng không có” – GS Long nói.

Lắng nghe ý kiến của những nhà khoa học đầu ngành trong hơn 3 tiếng đồng hồ, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Nguyễn Thiện Nhân đề cập 6 nhóm giải pháp thúc đẩy vai trò của khoa học công nghệ, giới trí thức, trong đó đột phá là đổi mới cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ, nhấn mạnh tự chủ, phát huy dân chủ…

Về vấn đề giám sát, phản biện, GS Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, nhà nước chủ trương “đặt hàng” các nhà khoa học giám sát, phản biện các vấn đề xã hội nhưng thấy nơi nào đang có nhu cầu, các GS, TS có thể chủ động vào cuộc.

Tới đây, Trung ương MTTQ sẽ tổ chức 5 nội dung giám sát chuyên đề (như chính sách đầu tư vào sản suất nông nghiệp, chính sách bảo hiểm cho công nhân…) sẽ huy động các tổ chức khoa học tham gia. Còn cơ chế góp ý với đường lối chính sách, hiện tại, tất cả các văn bản gửi xin ý kiến Mặt trận đều bắt buộc tổ chức các hội nghị phản biện, huy động các hội đồng khoa học tham gia.

Đề nghị tập trung vào định hướng phát triển Việt Nam trở thành một nước mạnh về nông nghiệp, một cường quốc nông nghiệp trên thế giới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chốt lại: “Mong các nhà khoa học không nản lòng để cùng kiên trì thuyết phục người dân cùng cống hiến xây dựng đất nước. Tôi xin cam kết về trách nhiệm của MTTQ trong việc ủng hộ sự tham gia của giới khoa học”.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm