1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Chìa khóa” phát triển TPHCM: Ứng dụng khoa học, công nghệ là “quốc sách hàng đầu”

(Dân trí) - Trong bối cảnh đất nước đang tìm kiếm động lực mới cho sự đổi mới và phát triển, cùng với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, TPHCM cần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.

Ngày 15/10, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục phần thảo luận về văn kiện Đại hội X Đảng bộ Thành phố. Những tham luận của các đại biểu tập trung vào việc tìm “giải pháp” để xây dựng TPHCM là thành phố đáng sống, là trung tâm lớn của khu vực ASEAN.

 


Các đại biểu trao đổi sôi nổi về giải pháp phát triển TPHCM

Các đại biểu trao đổi sôi nổi về giải pháp phát triển TPHCM

Hướng đến nền kinh tế sáng tạo

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ cho rằng, để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, TPHCM phải lấy ứng dụng khoa học, công nghệ là “quốc sách hàng đầu”.

Động lực của quá trình phát triển kinh tế, xã hội chính là doanh nghiệp. Do đó, theo ông Dũng, trong bối cảnh đất nước đang tìm kiếm động lực mới cho sự đổi mới và phát triển, cùng với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, TPHCM cần xây dựng môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“TPHCM nên xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm cùng với xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Từ đó, khuyến khích các định chế tài chính, doanh nghiệp, xã hội tham gia hình thành các quỹ đầu tư đầu tư mạo hiểm ngoài nhà nước. TPHCM phải hướng đến nền kinh tế sáng tạo, làm động lực phát triển nhanh và bền vững của thành phố trong giai đoạn xa hơn”, ông Dũng đề xuất.

Trong khi đó, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho rằng, thời gian qua, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) có sự tăng trưởng về lượng nhưng chưa thực sự bền vững và ngày càng bộc lộ hạn chế, yếu kém. Phần lớn thiết bị và công nghệ phải nhập khẩu; sản xuất phục vụ sửa chữa thay thế, gia công lắp ráp là chủ yếu; các doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ quản trị sản xuất phần lớn dựa vào kinh nghiệm, năng lực phát triển và khai thác thị trường, tiếp cận cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước còn thấp…


Một phiên thảo luận tổ

Một phiên thảo luận tổ

Theo khảo sát của JETRO (Nhật Bản) năm 2014, tỷ lệ nội địa hóa của công ty Nhật tại Việt Nam rất thấp, đạt 33,2% (tăng 1% so năm 2013), trong đó: ở miền Nam là 19,1%, ở miền Bắc là 11%. Tỷ lệ nội địa hóa của công ty Nhật tại Việt Nam tuy có tăng qua từng năm nhưng vẫn còn rất thấp so với 54,8% tại Thái Lan, 43,1% tại Indonesia. Kết quả trên tuy chỉ thể hiện tỷ lệ nội địa hóa của công ty Nhật tại Việt Nam nhưng về cơ bản đã phản ánh đúng thực trạng chung của ngành.

Chính những hạn chế trên, ông Khoa cho rằng, TPHCM nên chú trọng ưu tiên thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ 4 ngành trọng yếu và hai ngành truyền thống (dệt may, giày da). Trong giai đoạn đầu, cần tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất - nhựa - cao su nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp khác.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu được các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn quốc và các quốc gia khác quan tâm, đầu tư; trong đó, TPHCM là một trong những điểm lựa chọn đầu tiên. Để thu hút đầu tư, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Khoa đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó, xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố; bổ sung kiến thức cho đội ngũ quản lý, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động; có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ…

Cần nguồn nhân lực chất lượng cao

Ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, sự phát triển của TPHCM, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh toàn cầu và hội nhập kinh tế thế giới phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lao động chất lượng, trình độ cao.

“TPHCM là thành phố lớn của cả nước và là một trong 50 thành phố lớn trên thế giới. Đứng trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, TPHCM hiện nay đã và đang đứng trước nhiều thách thức. Để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể giải quyết những thách đố của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập”, ông Huỳnh Thành Lập nói.


Theo các đại biểu, ngoài phát triển khoa học, công nghệ, TPHCM cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo các đại biểu, ngoài phát triển khoa học, công nghệ, TPHCM cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, trước đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, trước yêu cầu phát triển bền vững của TPHCM, phải nhận thức rằng giáo dục đại học tiên tiến sẽ mang lại những bước “nhảy năng lượng” và những “xúc cảm sáng tạo” để tạo ra các giá trị cao cho công cuộc đổi mới và phát triển của thành phố.

“Đầu tư chiều sâu của TPHCM cho các đại học trọng điểm chính là đầu tư có hiệu quả và bền vững nhất cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ hiện tại mà còn ở tương lai. Trong đầu tư, không nên có sự phân biệt giữa các trường đại học trung ương đóng trên địa bàn và các trường đại học thuộc địa phương”, ông Huỳnh Thành Lập nhấn mạnh.

Công Quang

 

“Chìa khóa” phát triển TPHCM: Ứng dụng khoa học, công nghệ là “quốc sách hàng đầu” - 4