1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chỉ “thu hồi”, không “trưng mua” đất là bất công với người dân

(Dân trí) - “Nếu chỉ quy định thu hồi đất là đối xử không công bằng với người dân. Lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ, người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào...”

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu ý kiến trong phiên thảo luận về dự thảo luật Đất đai sửa đổi tại Quốc hội hôm nay, 17/6.

Góp ý vấn đề thu hồi đất, đại biểu Trần Ngọc Vinh không đồng ý với biện giải của UB Thường vụ Quốc hội về việc không sử dụng khái niệm “trưng mua” thay cho “thu hồi”. Theo ông Vinh, báo cáo tiếp thu giải trình có sự nhầm lẫn trong cách lý giải việc trưng mua đất và trưng mua quyền sử dụng đấ là do đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó không thể dùng cơ chế trưng mua đất được, nhưng quyền sử dụng đất lại khác.

Đại biểu cho rằng, lý do ban soạn thảo chưa tiếp thu cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất là chưa hợp lý và thiếu tính thuyết phục.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Thu hồi đất phải gắn liền với việc an dân.
 Đại biểu Trần Ngọc Vinh: "Thu hồi đất phải gắn liền với việc an dân".

Ông Vinh dẫn dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi điều 58 quy định “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”, còn theo Bộ luật Dân sự năm 2005 thì quyền tài sản là tài sản, do đó có đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng, cho, thế chấp. Đại biểu nhấn mạnh, khi nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất cần được bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó.

“Nếu chỉ quy định thu hồi đất thì rõ ràng chúng ta đang đối xử không công bằng với người dân, lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ, người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào” - ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Vinh cũng cho rằng cần phải bảo đảm hài hòa mục tiêu đất để phát triển kinh tế - xã hội với vấn đề an dân. Nếu coi nhẹ vấn đề an dân thì mục đích phát triển kinh tế xã hội cũng khó có thể đạt được.

Chốt lại quan điểm của mình, đại biểu cảnh báo, thu hồi đất phải gắn liền với vấn đề an dân, vì “lòng dân chưa thuận sẽ tiếp tục tình trạng khiếu kiện tranh chấp về đất đai, tình trạng hoang phí, lãng phí đất đai tiếp tục tồn tại”.

Cũng về nội dung này, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhận xét, quy định tại dự thảo luật lần này nêu quan điểm nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào 3 mục đích về quốc phòng, an ninh, về lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội không khác gì so với luật hiện hành. Tuy nhiên, hướng “thu hẹp” các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội với các điều kiện cụ thể (chỉ áp dụng với dự án công trình khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án công trình thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng, dự án công trình được HĐND tỉnh thông qua), ông Minh ghi nhận là nỗ lực để minh bạch hóa vấn đề này.

Nhấn mạnh đây là nội dung vốn gây nhiều tranh cãi và trên thực tế đã bị lạm dụng, xảy ra nhiều sai phạm, tiêu cực, làm phát sinh nhiều khiếu kiện nhất là đối với thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội, ông Minh kỳ vọng, những điểm bổ sung, điều chỉnh trong dự thảo luật lần này sẽ đề ra quy trình chặt chẽ, công khai, nghiêm túc khi xét duyệt đề nghị thu hồi đất để người dân yên tâm.

Ông Minh cũng đề nghị khi thu hồi đất và tài sản gắn liền trên đất như nhà cửa, kiến trúc, cơ quan quản lý nhà nước phải cần tách bạch bằng cách loại hình cố định hành chính khác nhau. Cụ thể, thu hồi đất phải có quyết định thu hồi đất riêng, có bồi thường. Còn về tài sản phải bồi thường thiệt hại thoả đáng cho người dân theo nguyên tắc thoả thuận bằng một quyết định hành chính riêng.

Không cùng quan điểm này, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) bày tỏ sự băn khoăn, chưa yên tâm khi luật chưa có các tiêu chí tổng thể để phân biệt giữa các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất với các dự án đầu tư kinh doanh khác.

Ông Hương cho rằng, cách quy định trong luật mới chỉ liệt kê cụ thể và lại có độ mở khá cao về các trường hợp thu hồi, đại biểu còn lo lắng luật sẽ bị lợi dụng, nhất là với trường hợp thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, từ đó khó khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan, không thực sự vì lợi ích chung của quốc gia, của cộng đồng.

Đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là để sử dụng vào mục đích chung phi lợi nhuận, bổ sung tiêu chí xác định dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất phân biệt rõ với các dự án đầu tư kinh doanh có nhu cầu sử dụng đất khác.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) phản ánh thực tế thời gian qua, các cấp chính quyền lợi dụng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với quy hoạch đất, thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất đai, ra quyết định thu hồi đất của dân giao cho tư nhân trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án kinh tế, đô thị, khu dân cư một cách tràn lan, gây lãng phí đất đai.

Ông Tiếp đề nghị vấn đề này Quốc hội lấy phiếu trưng cầu ý kiến xung quanh dự án phát triển kinh tế do địa phương quyết định.

P.Thảo