1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chỉ số cảm nhận tham nhũng và chỉ số cảm xúc của lòng dân

(Dân trí) – Cả thế giới đang phải tuyên chiến với tham nhũng vì tham nhũng hiện đã trở thành vấn nạn toàn cầu, khi mà từ quốc gia còn nghèo, lạc hậu tới các nước phát triển, giàu có hàng đầu đều góp mặt trong nhóm nước có chỉ số cảm nhận tham nhũng rất cao…

Theo thông lệ, ít ngày trước ngày thế giới PCTN (9/12) năm nay, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2012 với 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có tới 2/3 trong tổng số 176 quốc gia có điểm số dưới 50 (thang điểm bắt đầu từ 0 chỉ mức độ tham nhũng cao tới 100, tương đương rất trong sạch).

Bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của quốc gia năm nay cho thấy thực trạng tham nhũng vẫn phổ biến và tiếp tục tàn phá nhiều xã hội trên thế giới.

Trong lần xếp hạng này, Đan Mạch, Phần Lan, New Zealand đạt điểm số cao nhất là 90 điểm, nhờ các hệ thống cho phép tiếp cận thông tin mạnh mẽ và các quy định có hiệu quả trong điều chỉnh hành vi của công chức. Thụy Điển, Hà Lan, Đức và Anh nằm trong số 20 quốc gia ít tham nhũng nhất.
 
Cả thế giới đỏ lửa tham nhũng theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế.
Cả thế giới "đỏ lửa" tham nhũng theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế.

Đứng đầu bảng “tổng sắp” nhưng theo thứ tự từ dưới lên, Afghanistan, Triều Tiên, Somalia đồng hạng chót bảng với cùng mức 8 điểm. Đây là những quốc gia được xem là những “ốc đảo bí ẩn”, những “vùng cấm” đối với thế giới.

Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng có tới 68% các quốc gia nằm trong nhóm điểm số dưới 50, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 123/176 quốc gia (nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng). Chỉ số đánh giá đối với Việt Nam lần này khá tương đồng với báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức” do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng BCĐ T.Ư về PCTN và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện được công bố ngày 20.11 vừa qua. Theo báo cáo này tham nhũng được trên 34% người dân, 39% doanh nghiệp và 44% cán bộ công chức coi là một trong ba vấn đề bức xúc nhất với Việt Nam.
 
Các nước lân cận Việt Nam cũng đều thuộc nhóm 2/3 quốc gia nhiều tham nhũng. Cao nhất có Malaysia, đứng thứ 54 (gần sát nút nhóm nước đạt trên 50 điểm). Các vị trí thấp dần có Trung Quốc được xếp thứ 80, Thái Lan 88, Indonesia 118, Campuchia 157, Lào 160.

Điểm đáng chú ý là năm nay, nhiều quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng góp mặt ở phần dưới bảng xếp hạng. Hy Lạp trở thành quốc gia tham nhũng nhất châu Âu với vị trí 94. Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tuy có điểm số trên 50 nhưng cũng là những bước lùi.

Điều này cho thấy sự ổn định kinh tế liên quan chặt chẽ tới một chính phủ tốt. “Chúng tôi tin rằng, tham nhũng trong lĩnh vực công thường xuyên đi kèm với sự thất bại của các tổ chức”, Edda Müller, phụ trách văn phòng tại Đức của Tổ chức Minh bạch quốc tế cho biết. “Cùng lúc đó, chúng tôi thấy, không chỉ ở châu Âu, tại những quốc gia khác với thứ hạng thấp có liên quan đến sự thiếu đạo đức của một số chính trị gia”.

Bảng xếp hạng năm nay hụt ít nhiều số lượng các quốc gia (176 nước so với con số 183 nước được đánh giá năm ngoài) là do TI đưa ra nhiều cải tiến trong cách “đo” chỉ số cảm nhận tham nhũng. Thay vì thang điểm 10, lần này bộ chỉ số được lập trên cơ sở 13 nguồn dữ liệu khảo sát của các tổ chức độc lập, có uy tín trên thế giới, thể hiện chính xác hơn qua thang điểm 100. Vì vậy, một số quốc gia góp mặt những năm trước sang năm nay không đủ dữ liệu để đánh giá.

Nhận định chung của TI về vấn nạn tham nhũng trên toàn cầu cũng được nhắc lại tại buổi Đối thoại PCTN, trong khuôn khổ hoạt động của hội nghị các nhà tài trợ do Thanh tra Chính phủ và Văn phòng BCĐ PCTN TƯ phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức 1 ngày sau khi công bố bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng. Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam cảnh báo, tham nhũng sẽ tác động tiêu cực hơn nữa đến sự phát triển của nền kinh tế đồng thời làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.

Tham gia phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, tham nhũng hiện là thách thức với toàn cầu, không loại trừ bất cứ quốc gia nào, nhất là trong môi trường kinh tế mở, liên thông sẽ càng tạo ra nhiều hình thức tham nhũng tinh vi, phức tạp. Cuộc đấu tranh với tham nhũng cũng sẽ lâu dài.

Ở Việt Nam, Đảng, nhà nước đã có nhiều nỗ lực giải pháp chống tham nhũng theo khuyến cáo công khai, minh bạch hóa tối đa hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền và từng cán bộ công chức. Phó Thủ tướng xác nhận, cơ chế hiện nay, không chỉ cán bộ ở cấp TƯ có thể tham nhũng mà lãnh đạo các tỉnh thành có vai trò rất lớn, trực tiếp quản lý đất đai, các nguồn lực để phát triển, quản lý ngân sách, phân bổ đầu tư và quyết định công tác cán bộ, nhân sự ở tỉnh mình. Quyền lực tại địa phương như vậy là rất lớn trong khi vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo nhiều cơ hội phát sinh tham nhũng.

“Tham nhũng trong quản lý đất đai, tiêu cực của chính quyền là vấn đề rất đau lòng ở các địa phương” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tham nhũng đang thách thức niềm tin, sự kiên trì của người dân – lời cảnh báo được lặp lại nhiều lần, ở nhiều diễn đàn khác nhau. Nguyên nhân của tham nhũng, nguyên lý phòng chống hầu hết mọi người đều hiểu, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã so sánh “đã bắt được bệnh, bốc được thuốc”, vấn đề là buộc được “con bệnh” uống thuốc và uống đủ liều, “bệnh nặng thì phải uống liều cao”.

Lãnh đạo nhà nước cũng khẳng định không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng, xử lý cán bộ tiêu cực nhưng tâm lý hoài nghi của người dân rõ ràng vẫn chưa xóa được. Không có vùng cấm” nhưng liệu có “vùng hạn chế” khi khái niệm công khai, minh bạch mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn… mập mờ, khi quyền lực vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả, khi nhiều lĩnh vực, thông tin vẫn không thể tiếp cận, được mặc nhiên “cộp dấu” mật, tối mật, tuyệt mật?

Mới đây nhất, hội nghị của UB TƯ MTTQ bàn về vấn đề giám sát, phản biện xã hội nguyên Phó Chủ tịch Lê Truyền đã thổ lộ, thành viên các hội đồng tư vấn của mặt trận gần như là lực lượng duy nhất đã được “cởi vòng kim cô” (hầu hết là cán bộ đã nghỉ hưu) để có thể nói, góp ý thẳng thắn mọi vấn đề, miễn là đúng và có tinh thần xây dựng.

Ông Truyền đề xuất tăng thẩm quyền cho MTTQ tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học để đánh giá cụ thể tâm tư người dân, dư luận xã hội. Người cán bộ hưu trí này đặt câu hỏi, nhiều tổ chức quốc về vào Việt Nam thực hiện các cuộc khảo sát, điều tra và công bố kết quả công khai, ví như việc công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng mới đây của Tổ chức Minh bạch thế giới, sao ở vai trò chủ nhà, MTTQ Việt Nam không làm những việc tương tự.

Ông Truyền cũng dẫn ý kiến của một đại biểu QH trong kỳ họp vừa qua đề xuất xây dựng “chỉ số cảm xúc” để đo thái độ của cán bộ, công chức cũng như phản ứng của người dân về biểu hiện của cán bộ lãnh đạo. “Vì không có thước đo, quy chuẩn về chỉ số cảm xúc nên mới có tình trạng kinh tế khó khăn, nợ xấu nghiêm trọng… như vậy mà những người có chức trách, nhiệm vụ trả lời chất vấn trước QH vẫn cười tươi, xua tay lắc đầu, coi như không có vấn đề gì như vậy. Chỉ số cảm xúc đưa ra trong tình huống này rất có ý nghĩa”.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng và chỉ số cảm xúc của lòng dân – 2 thước đo hiện tại không có giá trị pháp lý lại đều là những con số “thật” nhất. Mỗi người Việt vẫn đang kiên nhẫn chờ xem thái độ ứng xử của nhà nước đối với những con số biết nói thật này.

P.Thảo