Chỉ rõ những hạn chế trong công tác ứng phó thiên tai ở Cà Mau

(Dân trí) - Sau cơn áp thấp nhiệt đới “đe dọa” hướng vào Cà Mau đêm ngày 1 và sáng ngày 2/11 vừa qua, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau đã chỉ ra hàng loạt hạn chế có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu áp thấp nhiệt đới, bão đổ bộ vào tỉnh này.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Phó Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau vừa ký công văn “khẩn” gửi Bộ đội biên phòng và các địa phương trên địa bàn tỉnh, yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác ứng phó với thiên tai.

Ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau cùng lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai và lực lượng Bộ đội Biên phòng đi kiểm tra công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới vào ngày 1/11 vừa qua tại huyện Ngọc Hiển.
Ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau cùng lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai và lực lượng Bộ đội Biên phòng đi kiểm tra công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới vào ngày 1/11 vừa qua tại huyện Ngọc Hiển.

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, vừa qua, công tác chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trong ngày 1/11 của các địa phương cơ bản đáp ứng những điều kiện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tuy nhiên, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau cũng cho rằng, các địa phương đã bộc lộ một số hạn chế có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu ATNĐ thật sự đổ bộ vào tỉnh này.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN chỉ ra, việc vận động nhân dân chằng chống nhà cửa còn chậm, chưa đúng kỹ thuật; việc neo đậu tàu thuyền tại các điểm neo đậu, tránh, trú bão, các cửa sông, cửa biển tại các địa phương chưa đảm bảo trật tự, an toàn và khả năng điều động khi có tình huống xấu.

Việc kiểm đếm tàu thuyền khi có bão, ATNĐ còn rất chậm, chưa quyết liệt, đặc biệt là việc thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn về người và tàu cá.

Công tác quản lý tàu cá có công suất nhỏ hoạt động ven bờ, đặc biệt là các tàu cá có công suất dưới 20CV và các phương tiện thủy nội địa tham gia khai thác thủy sản ven bờ thời gian qua còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ.

Ngoài ra, việc thống kê số lượng, danh sách của các phương tiện này chưa đầy đủ nên khí có bão, ATNĐ thì không thể thông tin kịp thời, cũng như việc kêu gọi tàu vào bờ gặp rất nhiều khó khăn.

Khu vực nhà dân ở cửa biển xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) rất sơ sài, nên khó chống chọi khi có áp thấp hoặc bão đổ vào.
Khu vực nhà dân ở cửa biển xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) rất sơ sài, nên khó chống chọi khi có áp thấp hoặc bão đổ vào.

Trước hàng loạt hạn chế trong việc ứng phó thiên tai nêu trên, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau yêu cầu chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, bố trí lực lượng hướng dẫn người dân việc chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản khi có thông tin bão, ATNĐ đổ bộ trực tiếp hoặc ảnh hưởng đến khu vực.

Yêu cầu các địa phương phối hợp các lực lượng rà soát các địa điểm neo đậu an toàn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn, đảm bảo an toàn khi có sóng to gió lớn,…; ưu tiên cho đội tàu, thuyền cứu hộ, cứu nạn của tỉnh dễ dàng di chuyển khi được điều động làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng quyết liệt bằng mọi biện pháp phối hợp địa phương nỗ lực kêu gọi, liên lạc qua mọi kênh thông tin với các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi tránh, trú an toàn, đảm bảo không có trường hợp nào không liên lạc được.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai nói về tình hình ứng phó thiên tai của tỉnh Cà Mau.

Trước đó, khi đi kiểm tra công tác ứng phó ATNĐ tại Cà Mau, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng, qua kiểm tra tại một số vùng ven biển cho thấy, một số hộ dân có chằng chống nhà cửa, nhưng mức độ lại rất đơn giản. Thậm chí, dù đã có dự báo ATNĐ đổ bộ vào nhưng nhiều hộ dân vẫn không làm gì, mặc dù nhà cửa đặc thù ở khu vực này khả năng chống chịu áp thấp, bão rất kém.

Theo ông Sơn, người dân ở đây có một phần chủ quan. Ngoài ra, người dân cũng chưa có kinh nghiệm trong phòng, chống bão. Do đó, vấn đề cốt lõi là làm sao để người dân dần thay đổi cách nhận thức, để họ chủ động thực hiện các chỉ đạo từ Trung ương, đến tỉnh, xuống huyện, để giảm thiểu thiệt hại nhất khi có áp thấp, bão xảy ra.

Còn theo ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nếu khắc phục triệt để tư tưởng chủ quan, chủ động triển khai các giải pháp phòng, tránh thiên tai, tin chắc rằng thiên tai dù có xảy ra cũng không thể để lại những hậu quả đau lòng.

Huỳnh Hải