1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

“Chi phí in tiền chắc chắn phát sinh cao hơn kế hoạch”

(Dân trí) - “Chi phí thực tế chắc chắn là cao hơn với kế hoạch nhưng cao bao nhiêu, hợp lí hay không và phân tích mổ xẻ đúng sai thì chắc chắn phải có thời gian...”, Phó tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình trả lời báo chí xung quanh <a href="http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2007/6/182146.vip">kết quả thanh tra Ngân hàng nhà nước</a>.

Như kết luận thanh tra đã nói, khi triển khai đề án này không tuân thủ những qui trình, nguyên tắc và qui chế dân chủ, kể cả trong đấu thầu. Ông đánh giá như thế nào về việc con trai ông Lê Đức Thuý làm việc trong một công ty tham gia vào đề án này?

 

Trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra chưa có điều kiện đi sâu vào mảng mà anh vừa hỏi. Chúng tôi chỉ rà soát được trong khoảng 2 tháng anh Lê Đức Minh làm việc cho Công ty Banktech - Công ty con của Công ty CFTD. Cân đối đánh giá toàn bộ thì nó không trái với qui định. Nhưng rõ ràng cũng dẫn đến việc nghi ngờ, nghi kị lẫn nhau trong việc anh Minh có làm môi giới cho công ty đầu tư về kĩ thuật này hay không - việc này là có dư luận. Nhưng nhiệm vụ của thanh tra, chúng tôi không đi sâu vào.

 

Ông Lê Đức Thuý giải trình như thế nào về việc báo cáo không đầy đủ với Thủ tướng về chất liệu in tiền như từng báo cáo với Bộ Chính trị cũng như việc con ông tham gia vào công ty kể trên?

 

Người bị thanh tra là Ngân hàng Nhà nước và chính anh Lê Đức Thuý, do đó việc giải trình đó chúng tôi có căn cứ và xem xét, đã đưa vào báo cáo của thanh tra và báo cáo đó đã được Chính phủ kết luận. Nội dung tôi đã thông báo cho các anh. Bây giờ đề cập thêm, chắc không có thông tin gì.

 

Trong quá trình thực hiện đề án in tiền mới có hay không phát sinh chi phí in tiền polymer? Xin ông cho biết, chi phí này là bao nhiêu?

 

Câu này rất cần hỏi và cũng cần trả lời. Nhưng cũng xin nói là Thanh tra chưa tính được. Lí do chưa tính được là bởi vì nó không đơn giản và thời gian thanh tra ngắn, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Nhưng chi phí thực tế chắc chắn là cao hơn với kế hoạch nhưng cao bao nhiêu, cao đó hợp lí hay không và phân tích mổ xẻ cái cao đó đúng chỗ nào, chưa đúng chỗ nào thì cái này chắc chắn phải có thời gian và cần thiết thì chúng ta cũng phải có thêm ý kiến của ngân hàng nữa.

 

Chúng tôi cũng ghi nhận câu hỏi rất chính đáng này và chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, nếu cần thiết sẽ làm rõ thêm để rút ra kinh nghiệm xung quanh việc đầu tư bộ tiền mới này.

 

Còn việc làm trái qui định của pháp luật tại dự án đầu tư nâng cấp Nhà máy In tiền quốc gia, ai phải chịu trách nhiệm, thưa ông?

 

Chính phủ cho phép nâng cấp nhà máy in tiền quốc gia để xây dựng một năng lực đầy đủ in các loại tiền theo yêu cầu, thay vì phải nhờ các tổ chức, các công ty nước ngoài thực hiện. Nhưng ở đây, sau khi Thủ tướng uỷ quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định đầu tư nâng cấp nhà máy in tiền, Ngân hàng đã không lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng. Do đó chúng ta chưa thu thập hết, hội đủ những điều kiện kĩ thuật, tính năng, tác dụng, yêu cầu của thiết bị, máy móc dẫn đến làm không đúng chỉ đạo của Chính phủ, làm trái qui định của nhà nước.

 

Đó là khuyết điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đáng lí ra, việc quang minh chính đại, mình đang cần nhà máy… cần những yếu tố gì thì phải tham khảo rộng rãi các nhà chuyên môn. Rất tiếc lãnh đạo Ngân hàng đã không làm việc đó.

 

Việc buôn bán ngoại tệ của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam có làm trái với qui định không? Và nếu có, ông đánh giá cái sai này như thế nào?

 

Ngân hàng Nhà nước có mấy khuyết điểm cụ thể trong việc quản lí thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chưa chủ động ban hành đầy đủ các qui định hướng dẫn cụ thể để chúng ta thực hiện việc quản lí ngoại tệ liên ngân hàng dẫn đến việc các ngân hàng phối hợp tác chiến không cao, “chiến đấu” rời rạc, lẻ tẻ.

 

Một khuyết điểm nữa là thiếu kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thị trường ngoại tệ liên ngân hàng để xảy ra tình trạng kinh doanh thua lỗ lớn ở Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Công thương.

 

Khi phát hiện ra, chậm xử lí, chậm phân tích và cách tiến hành cũng không tích cực, không khẩn trương. Ngay cả kết quả xử lí của Ngân hàng Nhà nước cũng không rõ, xử lí chưa nghiêm minh với cán bộ sai trái, gây nên những bức xúc ngờ vực của công chúng, của các tổ chức quan tâm đến việc này. Khuyết điểm này là do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Ban cán sự Đảng của ngành ngân hàng.

 

Trong quản lí ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã làm sụt giảm đến 2.700 tỉ đồng, tại sao chưa nói tới trách nhiệm cá nhân, kiểm điểm cụ thể, thưa ông?

 

Sự sụt giảm trên của Ngân hàng là do khách quan. Tôi nghĩ cái đó báo chí tiếp tục theo dõi.

 

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (ghi)