1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chỉ một đôi rắn thường nằm trên cây cũng khiến cả nghìn người hiếu kỳ

Khoảng một tháng qua, người dân hiếu kỳ đổ về nhà ông Vũ Văn Châm (53 tuổi, xóm Phố, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định) để được tận mắt chiêm ngưỡng hai “ông rắn”.

Ông rắn” đang “ngự” trên ngọn đa.
Ông rắn” đang “ngự” trên ngọn đa. 

 

Theo người dân địa phương, cứ 12h trưa, hai “ông” lại leo lên ngự trên ngọn cây đa trong ngôi miếu thờ Đức Khổng Tử (phía sau nhà ông Châm).

 

Những câu chuyện khó tin

 

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi đã có có mặt tại khu vực xóm Phố, cũng là lúc hàng chục người dân hiếu kỳ đổ về chờ đến giờ để được tận mắt chứng kiến câu chuyện kỳ lạ diễn ra ở đây. Hai cô gái có vẻ chưa biết điều kiêng kỵ của làng nên hỏi những người ngồi đợi: “Các bác, cho chúng cháu hỏi mấy giờ thì con rắn xuất hiện?”. Lập tức những cụ cao tuổi đưa ánh mắt giận dữ nhìn về phía hai cô gái rồi mắng: “Đến đây phải gọi là “ông rắn”, không được gọi là con rắn!”, làm cho hai cô gái trẻ đỏ mặt quay đi.

 

Đôi rắn xuất hiện trên cây đa, trong khuôn viên văn miếu của làng là có thật. Trong thời gian qua cũng có rất đông người dân hiếu kỳ đến đây, gây nên những cảnh mất trật tự nhất định. Tôi cũng thường xuyên kiểm tra và có nhắc nhở mọi người trong xóm, nhất là gia đình ông Vũ Văn Châm rằng tuyệt đối không được dựa vào sự việc trên để thu bất kỳ một khoản tiền nào của dân. Đây có thể chỉ là một hiện tượng lạ, nên cũng mong mọi người đến đây không nên lợi dụng điều này để đồng cốt rồi biến thành những hoạt động mê tín dị đoan” - ông Vũ Văn Tần - Trưởng xóm Phố.

Bởi vì chưa đến giờ “ông rắn” lên “ngự” nên mọi người phải ngồi phía ngoài chờ đợi. Chủ nhà chỉ mở cổng cho vào khi “ông rắn” đã xuất hiện (tức là đúng vào lúc 12h trưa). Trong lúc chờ đợi, ông Châm kể, việc ông phát hiện ra điều kỳ lạ trên đúng vào ngày 23.2.2013 (tức là ngày 14 tháng giêng âm lịch). Hôm đó, như thường lệ ăn cơm xong ông cầm cốc nước ra ngồi hóng gió ở ghế đá ngay cạnh gốc đa, phía sau nhà mẫu của văn miếu. Bất ngờ ông nhìn phía gốc đa thấy 2 con rắn nằm khoanh tròn làm ông giật mình kinh hãi, đánh rơi cốc nước trên tay. Thế nhưng mặc sự luống cuống của ông và tiếng động bất thường, đôi rắn vẫn không hề nhúc nhích. Ông trở vào nhà gọi anh con trai, anh này định giơ cây gậy trong tay toan đánh đôi rắn thì ông Châm chợt nhớ ra điều nghi kỵ bởi rắn xuất hiện gần những nơi miếu phủ, cây đa thường là rắn linh thiêng nên ông vội vàng ra hiệu cho anh con trai không được manh động, rồi khép cửa ngồi phía trong theo dõi nhất cử, nhất động của đôi rắn.

 

Những ngày sau đó, ông Châm bỏ mọi công việc chỉ để ngồi theo dõi hành tung bí ẩn của đôi rắn. Trong suốt hơn nửa tháng, ông phát hiện ra một điều là cứ đúng 12h là hai “ông rắn” bắt đầu chậm rãi bò ra từ phía gốc cây đa. Và quay đủ 4 hướng cho tới khi trước 16h chiều là lại mất dạng. “Điều lạ nữa là khi trong văn miếu mở đĩa hát chầu văn vọng ra thì có vẻ hai “ông rắn” rất hứng thú và say mê nghe, cho dù đang di chuyển nhưng mỗi lần nghe tiếng hát chầu văn là hai ông lại nằm bất động thưởng thức” - ông Châm kể lại.
 
Người dân đang làm lễ dưới gốc đa.

Người dân đang làm lễ dưới gốc đa.

 

Thời gian đầu, những người trong làng biết chuyện đến xem. Dần dà, qua những lời kể “thêm thắt”, người từ nơi khác cũng đến xem, và hiện tại thì mỗi ngày có hàng trăm người dân hiếu kỳ đổ về chứng kiến điều mà họ cho là kỳ lạ. Ông Châm bảo, vì có nhiều người đến xem quá, ông chẳng dám đi đâu, cả ngày chỉ ở nhà đun nước, trông coi phục vụ người dân. Trong khu vực gốc đa, mọi người trong làng đã phải lấy tre, luồng đóng gông quanh gốc cây để ngăn mọi người không vào quá gần hai “ông rắn”. Ngoài ra còn có hàng chục thanh niên trong xóm thay phiên nhau trông coi để đề phòng những hành động thái quá của những người đến xem.

 

Chỉ là rắn hoa cỏ theo cách gọi địa phương

 

Ông Vũ Văn Châm đang kể lại câu chuyện ly kỳ.
Ông Vũ Văn Châm đang kể lại câu chuyện ly kỳ.

 

Đúng 12h, mọi người được chủ nhà mở cổng cho vào “chiêm ngưỡng”. Trước mặt chúng tôi là một con rắn (không phải 2 con) to chừng cổ tay đang nằm vắt vẻo trên cành đa, phía dưới đã được trải chiếu và hương án bày biện lễ vật, mâm quả. Ông Châm khi thấy chúng tôi mang máy ảnh ra chuẩn bị chụp đã nhắc: “Các anh muốn chụp được hình “ông rắn” phải thắp nhang vái lạy thì may mới thấy. Bởi rất nhiều người đã quay chụp nhưng không thắp nhang nên về đến nhà mở ra xem thì chẳng thấy đâu”, làm cho câu chuyện thêm huyễn hoặc. Người đến xem mỗi lúc một đông, chỉ trong chốc lát khu sân miếu đã không còn chỗ trống.

 

Cụ Vũ Văn Tạc (79 tuổi) cho biết: “Văn miếu thờ Đức Khổng Tử, phía ngoài miếu có thờ đôi bạch xà. Việc hai “ông rắn” xuất hiện lại đúng vào năm Quý Tỵ, ngay trên cây đa trong khuôn viên ngôi miếu nên dân làng chúng tôi cho đó là điềm lành. Ban đầu, mọi người đến chiêm ngưỡng đã nhét tiền khắp gốc cây đa, nhìn mất mỹ quan, nên chúng tôi đã yêu cầu mọi người có hảo tâm thì để vào trong mâm. Sau mỗi buổi các cụ cao tuổi lại kiểm đếm rồi ghi vào sổ cẩn thận. Số tiền này chúng tôi dự định sẽ dùng vào việc tu sửa, nâng cấp văn miếu cho xứng tầm với truyền thống của vùng đất Thiên Bản và văn miếu cổ trước đây”.

 

Bên ngoài nhà ông Châm lúc nào cũng đông đúc xe máy của người dân hiếu kỳ đến xem “ông rắn”.
Bên ngoài nhà ông Châm lúc nào cũng đông đúc xe máy của người dân hiếu kỳ đến xem “ông rắn”.

 

Chẳng biết chuyện hai “ông rắn” bao phần thực, bao phần hư, song theo cảm nhận của chúng tôi cũng như nhiều người dân vừa vào xem xong quay ra thì đây không phải là hiện tượng quá kỳ lạ. “Vào mùa đông rắn thường ngủ đông tránh rét, thời gian này tiết trời đã ấm áp nên ra nằm phơi nắng. Đôi rắn này vốn sinh sống trong khuôn viên miếu từ lâu nên việc thích nghe hát chầu văn cũng là thói quen và gặp nhiều người mà không hề sợ hãi bởi chúng từ lâu đã quen hơi người như những vật nuôi trong nhà” - anh Nguyễn Tấn Trường (một người dân gần đó) cho biết. Còn một người chuyên làm nghề bắt rắn tên Nam thì cho rằng, đây là rắn hoa cỏ, chỉ là thông thường thì mọi người thường gặp những con rắn hoa cỏ bé hơn mà thôi.

 

Theo Doãn Kiên - Đại Chính
 Lao Động