1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hà Nam:

Chi cục trưởng kiểm lâm 7 năm nuôi gấu “hút” mật

Dư luận tỉnh Hà Nam rất bức xúc vụ 2 con gấu ngựa tịch thu tại một phi vụ vận chuyển, buôn bán gấu trái phép bị chính người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh này âm thầm đem về trụ sở nuôi nhốt 7 năm rồi tổ chức chích hút mật... mà chưa bị xử lý.

Chi cục trưởng kiểm lâm 7 năm nuôi gấu “hút” mật - 1
4cc mật gấu mà ông Trần Đình Du đem biếu lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh.

Theo đơn tố cáo của một số cựu chiến binh và người dân ở thị xã Phủ Lý (Hà Nam), từ tháng 8/2009, một số cán bộ kiểm lâm của tỉnh có biểu hiện tổ chức chích hút mật gấu trái phép.

Ngày 22/8/2009, Cảnh sát môi trường (PC36) Công an Hà Nam tiến hành kiểm tra đã bắt quả tang ông Trần Đình Du, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nam, đang tổ chức chích hút mật từ 2 con gấu ngựa và đã lập biên bản.

Hành vi của ông Du bị đánh giá là vi phạm nghiêm trọng cả về nghiệp vụ lẫn quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Tuy nhiên cho tới nay, vẫn chưa có cá nhân hay tập thể nào bị đưa ra xử lý, làm rõ về vụ việc này.

Phía PC36 Công an Hà Nam thừa nhận có vụ việc trên và bản thân ông Chi cục trưởng Trần Đình Du cũng thừa nhận hành vi của mình là sai phạm. Sau khi lập biên bản, lực lượng chức năng đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Hà Nam gửi 2 con gấu lên Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để cứu chữa, phục hồi sức khỏe.

Cũng theo cơ quan điều tra của tỉnh Hà Nam, 2 con gấu ngựa kể trên không phải mới được nuôi nhốt mà đã tịch thu được từ năm 2002 khi lực lượng liên ngành của tỉnh bắt quả tang một vụ buôn bán, vận chuyển gấu qua địa bàn.

Lẽ ra theo quy định thì 2 cá thể gấu thu được này phải bàn giao cho đơn vị có chức năng nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe và cứu hộ gấu, nhưng Chi cục Kiểm lâm Hà Nam đã giữ lại nuôi nhốt 8 năm liền, cho tới khi bị bắt quả tang việc chích hút mật nêu trên.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam (người đã được ông Du biếu 4 cc mật gấu) - giải thích rằng, việc tổ chức chích hút mật gấu của ông Du chỉ là do trước khi chuyển gấu về Trung tâm cứu hộ Tam Đảo, ông Du có tâm lý tiếc công nuôi dưỡng, chăm sóc 2 con gấu trong suốt một thời gian dài, nên đã tổ chức chích hút mật gấu để sử dụng và chia cho anh em trong cơ quan.

“Xét về góc độ nghề nghiệp, luật pháp và đạo đức là không cho phép, là vi phạm nhưng các văn bản pháp luật cũng như quy định của Bộ NN-PTNT để xử lý hành vi của ông Du lại không có, nên cơ quan chức năng cũng như Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam chưa biết áp vào đâu để xử lý (?!)", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, hiện các quy định của Bộ NN-PTNT về lĩnh vực động vật hoang dã mới chỉ có quy định xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển, còn trường hợp của ông Du là tổ chức chích hút để tự tiêu dùng, nên không thể quy vào tội buôn bán được.

Đề cập tới trường hợp trên, ông Đỗ Quang Tùng, Chánh văn phòng Cites (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc kết luận của cơ quan chức năng Hà Nam đối với hành vi vi phạm của ông Trần Đình Du như vậy là không thỏa đáng.

Bởi vì bản thân ông Du là người đứng đầu một cơ quan Nhà nước về bảo vệ động vật rừng nhưng lại vi phạm là không thể chấp nhận được. Hành vi chích hút mật gấu là hành vi xâm phạm động vật rừng, không thể nói không có quy định, căn cứ pháp luật để xử lý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý động vật rừng nguy cấp, quý hiếm đã quy định rõ việc nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng động vật rừng thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm. Trong đó, gấu được xếp vào nhóm IB, tức nhóm động vật rừng hoang dã, quý hiếm nghiêm cấm khai thác, sử dụng.

Theo Thái Huyền
VTC News