1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chỉ biết khóc khi con hỏi “cha đâu?”

(Dân trí) - “Đêm Bình Long, Bình Phước, giữa đại ngàn cao su lộng gió, đứa con thức dậy hỏi: “Mẹ ơi! Cha con đâu?”. Em chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc” - Một ngày ở nơi đây, gặp 6 người phụ nữ thì có đến 5 người tâm sự với tôi như thế!

Người xưa có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Ấy vậy mà ở cái thị trấn An Lộc và xã Thanh Phú của huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước này, hiện có nhiều “nhà không nóc”, đến nỗi người ta đặt hẳn cho nơi đây một cái tên: “xóm không chồng”.

 

“Xóm không chồng” hình thành bởi nhiều lý do: chồng chết sớm vì bệnh tật, chồng bỏ đi vì vợ bị bệnh, chồng hờ “quất ngựa truy phong” sau một cuộc tình vụng trộm…

 
Chỉ biết khóc khi con hỏi “cha đâu?”  - 1

Căn nhà của mẹ con chị Tuyết, mưa xuống là sợ sập. 

Chồng bỏ đi vì vợ bị… ung thư

 

Tôi có dịp nghe câu chuyện đời buồn của chị Đỗ Thị Cúc (50 tuổi) ở tổ 20, khu phố Phú Bình, thị trấn An Lộc. Giữa buổi ban trưa nắng chói chang, trong căn lều liêu xiêu, chị Cúc đang thoi thóp từng hơi thở. Thấy có người lạ vào, chị gượng dậy không nổi phải nhờ người đỡ. Thấy chị bệnh nặng mà thui thủi một mình, hỏi chồng con đâu, chị bật khóc lắc đầu, mong khách lạ đừng hỏi thêm gì nữa.

 

Cũng như bao cô gái khác, thời xuân sắc, chị là một thanh niên xung phong rồi về làm cán bộ dân số tại địa phương. Rồi chị lập gia đình. Hai vợ chồng hiếm muộn nên năm 1985, anh chị nhận nuôi một cháu gái bất hạnh mới chào đời được 2 tháng tuổi. Năm 2003, chị đi khám và phát hiện mình bị ung thư tim, hở van tim 2 lá... Chân tay chị sưng tấy, nổi thẹo khắp nơi. Bệnh tình ngày một trầm trọng.

 

Biết bệnh tật của chị, người chồng bao nhiêu năm đầu gối tay ấp cùng cô con gái nuôi bỏ đi biệt tích. Chị một thân một mình chống chọi với bệnh tật, chạy chữa khắp nơi. Căn nhà cũng phải bán nốt để lấy tiền chữa bệnh nhưng sức khỏe cứ thế giảm dần theo thời gian. Bán đất, bán nhà, không còn chỗ ở, người thân ruồng bỏ, chị bơ vơ đầu đường xó chợ. Một người hàng xóm thương tình cho chị cất tạm căn nhà nhỏ trên mảnh đất của mình.

 

Cách đây tháng, chị còn cố gắng hoạt động trong vai trò một cán bộ dân số. Nhưng đến giờ, bệnh ung thư đã đánh gục chị. Có khi chị nằm liệt cả 2, 3 ngày trên giường. Thui thủi một mình, may mà bà con hàng xóm thấy vắng lặng thì chạy qua thăm hỏi, động viên. Mới đây, chị còn bị chó cắn, chân sưng vù.

 

Từ ngày phát bệnh, chính quyền địa phương xét cấp cho chị một thẻ bảo hiểm và sổ khám bệnh người nghèo. Có “bùa hộ thân”, chị Cúc lặn lội từng chuyến xe xuôi xuống TPHCM để chữa bệnh. Chị kể, có lúc hết tiền, lên Ủy ban, mấy anh đồng nghiệp cho chị 5-7 chục ngàn để đi chữa bệnh. Xuống chợ, bà con cho cơm ăn. “Em chịu ơn xóm làng nhiều quá. Thấy bà con cho hoài, nhiều khi cũng ngại nên không dám lên xã hay vào chợ nữa”.
 
Chỉ biết khóc khi con hỏi “cha đâu?”  - 2
Người đàn bà bất hạnh Đỗ Thị Cúc trước ngôi nhà tạm bợ có nguy cơ sập bất cứ lúc nào của mình.

 

Chị kể: “Ở bệnh viện, một thân một mình có lúc đi xin cơm ăn nhưng 1 tay truyền nước biển, chân đau đi không nổi. Vừa rồi, xuống Sài gòn chữa bệnh, bác sĩ bảo nằm thời gian dài nhưng 1 ngàn trong tay cũng không có, làm sao em dám ở”. 

 

Những đứa trẻ không cha

 

Sát bên nhà chị Cúc có một cháu bé không cha, đang bị bệnh ung thư máu. Đó là cháu Lưu Thành Tâm (9 tuổi). Tâm sinh ra và lớn lên thiếu bàn tay chở che, dạy dỗ của người cha. Mẹ Tâm, chị Hạnh trót tin vào những lời đường mật của tình yêu đầu mà trao cả đời con gái. Khi bào thai lớn dần trong chị cũng là lúc người đàn ông ấy rũ áo ra đi, bỏ mặc chị sinh con trong sự thiếu trước hụt sau và sự ghẻ lạnh của người đời.

 

Năm 2004, thấy con mình ốm yếu, xanh xao, chị Hạnh đưa con xuống TPHCM khám bệnh. Các bác sĩ kết luận Tâm bị ung thư máu. Năm 2007, chị Hạnh nhận thêm hung tin: cha chị bị xơ gan, ói ra máu, tay chân co quắp. Chạy chữa đã nhiều nơi nhưng giờ cha chị cũng chỉ có thể nằm một chỗ. Gia cảnh khó khăn, mẹ của chị Hạnh phải đi phụ bán quán ăn để kiếm số tiền 20.000 đồng/buổi đem về nuôi chồng, nuôi cháu. Chị Hạnh thì ở nhà làm mướn, phụ quán cơm, đi cạo giác hơi cho người bệnh mưu sinh.

 
Chỉ biết khóc khi con hỏi “cha đâu?”  - 3

Lưu Thành Tâm, cậu bé không cha mắc cơn bạo bệnh, có đôi mắt lúc nào cũng buồn.

 

Tâm bị bạo bệnh nhưng rất ngoan hiền. Dường như cảm nhận được những thiệt thòi của mình nên ánh mắt cháu lúc nào cũng đượm nét u buồn.

 

Đồng trang lứa và cũng chịu chung 3 tiếng: “Con không cha” như Tâm là cháu Vũ Thị Tuyết Ngân (học sinh lớp 4, trường tiểu học Thanh Phú B, xã Thanh Phú, huyện Bình Long). Cháu Ngân sinh ra mà không biết mặt cha, và cháu cũng không được cha thừa nhận. Cháu Ngân cùng mẹ là chị Vũ Thị Tuyết (42 tuổi) đang sống trong căn nhà chòi chật chội, dựng bằng vách phên xiêu vẹo. Để nuôi con, chị Tuyết sống vất vưởng bằng nghề thợ “đụng” (ai kêu gì làm đó). Không có đất, chị cất tạm căn chòi nhỏ trên mảnh đất nhờ của hàng xóm.

 

Tôi bước vào trong căn nhà của chị, phải cúi người thật thấp mới không bị đụng mái. Một chiếc giường nhỏ cũng là bàn học của cô con gái là thứ đồ dùng có giá trị duy nhất. Hỏi chị trời mưa nhà có dột không? Chị đáp ráo hoảnh: “Nhà dễ sập thôi, chứ mái ken nhiều lớp thế kia, làm sao dột!”.

 

Cháu Ngân học rất ngoan và nghe lời mẹ. Hỏi đến ba cháu thường không trả lời, chỉ lặng lẽ quay vào lòng mẹ. Chị Tuyết ôm con buồn tủi: “Chỉ mong có một ngôi nhà vững chãi để mẹ con không còn thấp thỏm mỗi khi trời trở gió”.

 

Ở cái xóm thiếu vắng đàn ông này có lắm chuyện ám ảnh. Ám ảnh nhất là những đôi mắt u sầu trước tuổi của những đứa trẻ vô tội.

 

Bà Nguyễn Thị Kiểu - Phó Chủ tịch xã Thanh Phú - cho biết: Trong chiến tranh, Bình Long là cơ sở mở chiến dịch Tây Nguyên, là hậu cứ của chiến khu D (Tân Uyên - Bình Dương). Nơi đây có chiến khu Tà Thiết (nay thuộc Lộc Ninh) là bộ chỉ huy miền của những nhà hoạt động cách mạng như Thượng tướng Trần Văn Trà, Phạm Hùng, Nguyễn Thị Định… Ở ấp Phú Lạc, xã Thanh Phú chính vẫn còn lưu nhiều dấu tích của Mỹ trong quá trình đồn dân lập ấp chiến lược, đa phần là người dân tộc Stieng. Ngay trước chùa Phước Chưởng còn dấu tích của những hố bom do Mỹ thả xuống.

 

Hiện nay, toàn xã Thanh Phú có 2.400 hộ với 10.800 nhân khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng điều, tiêu… Nhưng năm qua, cây điều, tiêu chết, mất giá, mất mùa, cuộc sống người dân càng khốn khó hơn.

 

Cả xã có 70 hộ nghèo, hơn 60 hộ không có nhà ở. Trên 200 hộ cận nghèo, trên 80 hộ cận nghèo khó khăn nhà ở.

 

 

Công Quang