1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chi 130 triệu kích cổng cổ lên cao 1m, chủ nhà bị hàng xóm nói "hâm"

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Sau khi biết vợ chồng ông Tranh đã chi 130 triệu đồng để kích chiếc cổng cổ lên cao 1m, một số hàng xóm nói ông bị "hâm" vì không đập đi xây lại.

Mấy ngày qua, câu chuyện về việc chủ nhà chi số tiền "khủng" để kích cổng cổ thay vì đập đi xây lại ở xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Theo tìm hiểu, chủ nhân của chiếc cổng cổ trên là gia đình ông Nguyễn Văn Tranh (62 tuổi, trú thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang). 

Nhà ông Tranh ở ngay đầu ngõ 234 ngách 147 Dương Quang. Gọi là ngõ nhưng ô tô tải đi lại thoải mái, con ngõ mới được trải nhựa asphalt thẳng, đẹp. 

Chi 130 triệu kích cổng cổ lên cao 1m, chủ nhà bị hàng xóm nói hâm - 1

Chiếc cổng cổ luôn thu hút ánh mắt của mọi người mỗi khi đi qua.

Chỉ tay vào chiếc cổng mới được kích, ông Tranh tỏ vẻ tâm đắc: "Có thể cổng nhà tôi không phải là chiếc cổng cổ nhất của xã Dương Quang nhưng nó là chiếc đầu tiên được kích cao hơn vị trí cũ".

Ông kể, chiếc cổng này được xây dựng từ thời ông nội vào năm 1942 bằng gạch thủ công, đóng bằng tay, pha trộn gỉ mật với vữa.

Cuối năm 2022 khi con đường của thôn được đổ nhựa asphalt thì bậc cao nhất của cổng bị thấp hơn mặt đường khoảng 80cm; nếu không được kích lên cao chiếc cổng buộc phải đập đi xây mới.

Chi 130 triệu kích cổng cổ lên cao 1m, chủ nhà bị hàng xóm nói hâm - 2

Chiếc cổng của gia đình ông Tranh thời điểm được kích lên cao vào cuối năm 2022 (Ảnh: B.G.L).

Khi đoạn đường làm gần đến phần diện tích đất của gia đình, vợ chồng ông Tranh nghĩ đủ mọi cách để giữ lại chiếc cổng cổ. Để giữ cổng cổ nhà mình, ông Tranh đã đi hỏi, tìm thợ để nghĩ cách, có nhóm thợ xây từ Hưng Yên đến khảo sát, ghi hình và đưa ra đề nghị sẽ đập móng xây lại, giữ phần mái nhưng vợ chồng ông từ chối.

"Lúc đó, nhóm thợ cam kết chiếc cổng sẽ giống như cũ 90% nhưng vợ chồng tôi không thích vì muốn cổng phải nguyên vẹn", ông Tranh kể. 

Trong lúc đang loay hoay chưa biết tìm cách gì để giữ lại chiếc cổng, vợ chồng ông được người con rể tìm cho một đơn vị chuyên kích, di chuyển các công trình xây dựng. 

Chi 130 triệu kích cổng cổ lên cao 1m, chủ nhà bị hàng xóm nói hâm - 3

Ông Tranh cho biết, toàn bộ chiều cao của cổng là 3,9m, chiều rộng gần 4m; riêng phần lối đi giữa cổng cao 1,9m, rộng 1,5m.

"Trước khi có ý định phá chiếc cổng khoảng 2 ngày thì đơn vị thi công về nhà tôi khảo sát, đánh giá. Qua kiểm tra, các kỹ sư cho biết sẽ kích được chiếc cổng cao hơn mặt đường và cam kết nguyên vẹn, nếu sứt nửa viên gạch sẽ đền tiền gấp đôi, nghe thấy vậy tôi cũng yên tâm", ông Tranh nói.

Từ khi đội thi công về kích cổng, ngày nào vợ chồng ông cũng tiếp hàng chục lượt khách đến xem, theo dõi. Nhiều lúc, khách đến xem ngồi chật ngõ.

Chi 130 triệu kích cổng cổ lên cao 1m, chủ nhà bị hàng xóm nói hâm - 4

Mặc dù đã từng bị trúng đạn thời kỳ chiến tranh chống Mỹ nhưng chiếc cổng vẫn còn rất chắc chắn.

Để thực hiện việc kích chiếc cổng mỗi ngày có từ 6 - 7 công nhân làm việc. Sau 10 ngày làm việc liên tục, chiếc cổng cổ của nhà ông Tranh được kích cao hơn cũ 1m và đảm bảo nguyên vẹn hơn 90%; tổng chi phí 130 triệu đồng.

"Mặc dù đã xây hơn 80 năm nhưng gạch và các mạch vữa còn rất tốt, đảm bảo an toàn", ông Tranh nhận định và kể thời kháng chiến chống Mỹ phần mặt tiền của cổng bị trúng đạn nham nhở, sau này gia đình phải vào sửa lại một phần.

Mấy năm qua, ông luôn tâm niệm bằng mọi cách phải giữ lại chiếc cổng vì đây là dấu ấn mà ông cha đã để lại. 

"Nhiều người biết tôi bỏ ra hơn 100 triệu đồng để kích cổng họ bảo tôi bị "hâm", nhưng người ta đâu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của mình", ông giãi bày.

Chi 130 triệu kích cổng cổ lên cao 1m, chủ nhà bị hàng xóm nói hâm - 5

Trải qua hơn 80 năm, phần mái cổng mang nhiều dáng vẻ cổ kính.

Chi 130 triệu kích cổng cổ lên cao 1m, chủ nhà bị hàng xóm nói hâm - 6

Ông Tranh khẳng định cây xương rồng trồng trên nóc cổng đã có tuổi đời hơn 80 năm.

Ngồi bế người cháu ngoại bên cạnh chồng, bà Phan Thị Lý (60 tuổi, vợ ông Tranh) hào hứng kể, từ ngày chiếc cổng được kích lên cao vợ chồng bà thấy tinh thần thoải mái, phấn khởi.

"Tiền bao nhiêu cũng tiêu hết nhưng chiếc cổng là kỷ vật mà ông cha tôi đã để lại mình càng gìn giữ thì con cháu cũng được hưởng thụ", bà tâm niệm.

Ông Nguyễn Đăng Toàn (80 tuổi, trú ở thôn Yên Mỹ, hàng xóm nhà ông Tranh) cho rằng, chiếc cổng cổ của gia đình ông Tranh thuộc diện hiếm trong thôn. Chiếc cổng được kích lên cao mang dáng vẻ cổ kính và lưu truyền nét đẹp văn hóa của vùng quê yên bình.

Hiện tại thôn Yên Mỹ vẫn còn một chiếc cổng cổ được xây dựng từ năm 1929 nhưng nay đã bị bịt kín, không có người qua lại.