Chết vì… được về hưu
Khi tận mắt thấy lương hưu của mình, ông Vũ Cao Thăng - nguyên giáo viên trường Tiểu học Trực Cường (Trực Ninh, Nam Định) đã đứt mạch máu não và trút hơi thở cuối cùng vì… mừng.
Trong căn nhà tuềnh toàng, nằm cuối xóm Phú Cường (xã Trực Cường, huyện Trực Ninh), anh Vũ Cao Huyền, con trai thầy Vũ Cao Thăng nói trong nước mắt: "Tôi không hiểu vì sao một người như bố tôi lại bị đối xử nhẫn tâm đến thế. Mong là ở nơi chín suối, ông không còn phải dằn vặt nữa".
Theo lời anh Huyền, ông Vũ Cao Thăng đã công tác trong ngành giáo dục được hơn 40 năm (từ 1966 đến tháng 12/2006). Trước khi nghỉ hưu, ông Thăng là giáo viên của trường Tiểu học Trực Cường. “Quyết định nghỉ hưu được ký từ tháng 11/2006 nhưng suốt 16 tháng về hưu, bố tôi không nhận được bất cứ một đồng lương hưu nào. Đến tận ngày 6/3/2008 (trước khi ông Thăng qua đời đúng 1 tuần- PV), nhà trường mới gọi gia đình lên nhận quyết định về hưu của bố tôi”, anh Huyền nói.
Trước đó, để không phải chịu cảnh “về hưu không lương”, thầy Thăng đã có gần 1 năm rưỡi hết đạp xe lại thuê xe ôm chở lên Phòng GD-ĐT và Bảo hiểm xã hội Trực Ninh để hoàn tất thủ tục. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, chế độ hưu trí của thầy vẫn không được giải quyết với những lý do như: Phòng GD-ĐT huyện làm mất sổ bảo hiểm gốc, lý lịch Đảng không khớp với hồ sơ gốc...
Quá mệt mỏi và bức xúc, đến tháng 1/2008, thầy Thăng ngã bệnh và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 108 (Hà Nội). Trớ trêu là thầy Thăng vừa không có bảo hiểm y tế, cũng chẳng có lương hưu, gia cảnh vốn đã khó khăn lại càng thêm cùng quẫn vì chi phí thuốc men, nằm viện.
Theo anh Vũ Cao Huyền, thì trong quá trình đi “đòi” chế độ, ông Thăng đã nhận được sự gợi ý “chi tiền” của một cán bộ Phòng GD-ĐT Trực Ninh và gia đình đã phải vay mượn 2,8 triệu đồng chi “bồi dưỡng” để được nhận chế độ hưu.
Bà Đặng Thị Mừng, cán bộ Phòng GD-ĐT Trực Ninh, người quản lý trực tiếp hồ sơ của thầy Vũ Cao Thăng cho biết, do hồ sơ của thầy Thăng thiếu một số giấy tờ mà bên bảo hiểm đòi phải bổ sung và “bác Thăng không bổ sung được nên mới lâu như thế”. Ông Vũ Ngọc Quyết - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trực Cường thì cho rằng, sự chậm trễ là do cấp trên vì trường chỉ quản lý con người chứ không làm chế độ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng trường hợp của thầy Vũ Cao Thăng mà còn rất nhiều giáo viên khác cũng đang phải chịu cảnh “về hưu không lương”. Điển hình trong số này là bà Bùi Thị Hoa (SN 1951), giáo viên trường THCS Trực Phú (Trực Ninh). Bà Hoa cũng rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” như thầy Thăng: mất hồ sơ Bảo hiểm gốc, dù đã bổ sung đầy đủ giấy tờ, nhưng 3 lần đều bị BHXH tỉnh trả lại và đến nay vẫn chưa hề nhận được một chế độ gì, dù đã có quyết định về hưu từ tháng 3/2007.
Điều đáng nói là gia đình bà Hoa rất khó khăn, bản thân bà lại bị bệnh tim mạch, đang phải nằm điều trị tại bệnh viện Hải Hậu mà không có thẻ bảo hiểm y tế, không có tiền mua thuốc. "Tôi không có tiền để "chạy" nên đành chịu vậy. Chắc là đến khi tôi đột tử như thầy Thăng, may ra mới được giải quyết chế độ"- bà Hoa chua xót nói.
Theo Nông Thôn Ngày Nay