1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chênh vênh cầu treo nơi thượng nguồn sông Mã

(Dân trí) - Chiếc cầu treo có độ cao hàng chục mét so với mực nước sông, nhiều hạng mục của cầu đã xuống cấp, mặt cầu gia cố tạm bợ, nhưng hàng ngày nhiều người dân vẫn phải đi lại trên cây cầu đầy bất trắc này.

Cầu treo bản Lát bắc qua sông Mã, là nút giao thông huyết mạch nối thị trấn Mường Lát với các xã Tam Chung, Mường Lý. Chiếc cầu này đã được đưa vào sử dụng nhiều năm nay, một số hạng mục như lan can, mặt cầu, dây néo…đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo quan sát của phóng viên, dây cáp và nhiều thiết bị bằng sắt của cây cầu đã và đang bị hoen gỉ. Đặc biệt, mặt cầu được lát bằng những tấm ván, thậm chí có chỗ chỉ được lát tạm bợ từ những thân cây tròn lởm chởm, một số thanh gỗ dọc theo lan can cầu đã mục nát…

Hơn nữa, cây cầu này lại nằm ở độ cao hàng chục mét so với mực nước sông, đoạn sông Mã lại chảy xiết thực sự là mối nguy hiểm đối với người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là người già và các em học sinh mỗi khi qua cầu.

Cũng đã có một số trường hợp người dân khi đi qua cầu, nhất là vào buổi tối bị sa chân xuống các lỗ hổng trên mặt cầu gây thương tích. Cây cầu có chiều dài hơn 200m, đây là nút giao thông huyết mạch của đồng bào các dân tộc thiểu số tại hai xã Tam Chung và Mường Lý nối với thị trấn Mường Lát.

Cây cầu là giao thông huyết mạch từ thị trấn Mường Lát vào xã Tam Chung và Mường Lý.
Cầu treo bản Lát là đường giao thông huyết mạch từ thị trấn Mường Lát vào xã Tam Chung và Mường Lý.

Vào mùa thu hoạch, người dân thường xuyên chở ngô, sắn bằng xe máy qua cây cầu này. Tuy nhiên, với sự xuống cấp của cây cầu thì đây thực sự là mối đe dọa đến sự an toàn của người và phương tiện lưu thông qua cầu.

Trao đổi với Dân trí, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Cây cầu này đã được đưa vào sử dụng từ 5 - 6 năm nay. Hiện nay Sở Giao thông vận tải đã cử đoàn cán bộ lên kiểm tra thực trạng của cây cầu”.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 1563/UBND-CN chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn về việc “tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với hệ thống cầu treo trên địa bàn”.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, rà soát lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm định chất lượng các cầu để có phương án khai thác phù hợp đồng thời lắp đặt ngay biển báo quy định tải trọng và hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu các quy định trong quá trình vận hành, sử dụng cầu treo để đáp ứng việc đi lại của người dân và phương tiện. 

Đặc biệt, những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số phải có hướng dẫn bằng tiếng dân tộc; vị trí đặt biển phải đảm bảo tầm nhìn phù hợp để người dân dễ nhận biết và rà soát lại thiết kế các dự án cầu treo đang được chuẩn bị đầu tư, xây dựng để phù hợp với điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Cầu treo bản Lát cao hơn so với mặt nước hàng chục mét.
Cầu treo bản Lát cao hơn so với mặt nước hàng chục mét.

Trên mặt cầu có nhiều lỗ hổng nên người qua cầu dễ bị mắc chân xuống.
Trên mặt cầu có nhiều lỗ hổng nên người qua cầu dễ bị mắc chân xuống.
Nhiều giây néo được làm khá đơn giản.
Nhiều giây néo được làm khá đơn giản.
Nhiều tấm lát trên mặt cầu đã xuống cấp.
Nhiều tấm lát trên mặt cầu đã xuống cấp.
 
Bình Định: Khẩn trương kiểm tra hệ thống các cầu treo dân sinh
 
Chiều 10/3, ông Trần Châu - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Định,cho biết, Sở đã chỉ đạo thực hiện Công điện số 07/CĐ-BGTVT của Bộ GTVT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, Sở đã đề nghị tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống cầu treo, cầu gỗ... trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm an toàn cho người dân khi qua lại, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống phải lắp biển báo hướng dẫn bằng tiếng bản địa.
Cầu treo làng O5 thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) bị lũ cuốn trôi đợt lũ 2013 nay đã sửa xong
Cầu treo làng O5 thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) bị lũ cuốn trôi đợt lũ 2013 nay đã sửa xong

Theo thông kê, hiện toàn tỉnh Bình Định có 14 cầu treo, cầu dân sinh chủ yếu tại các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão và một số huyện trung du. Riêng tại huyện Vĩnh Thạnh, trong đợt lũ lịch sử hồi tháng 11/2013 vừa qua, trên địa bàn có 2 cầu treo bị cuốn trôi. Trong đó, cầu treo Đắc Miên dẫn vào làng O2 (xã Vĩnh Kim) với 45 hộ/181 nhân khẩu sinh sống bị lũ cuốn trôi vào tháng 11/2013, nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện sữa chữa. Hiện tại, người dân chỉ làm cầu bằng dây rừng để tạm qua lại, rất nguy hiểm.

Được biết, trong đề án “Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông” do Bộ Giao thông Vận tải phát động, tỉnh Bình Định đăng ký danh mục xây dựng 100 cầu, trong đó có 22 cầu treo, 58 cầu bêtông cốt thép và 20 cầu thép.

Doãn Công


Nga Hợp - Duy Tuyên