1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chênh lệch thu nhập lớn, sao giữ chân bác sĩ giỏi bỏ bệnh viện công sang tư?

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải, tình trạng do vướng nhiều quy định, có bác sĩ giỏi nhưng không được bổ nhiệm vị trí cao hơn, dẫn đến chán nản, chuyển sang làm tư nhân. Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại cho rằng, khi thu nhập của người được tuyển dụng vào khu vực công quá thấp thì họ sẽ chuyển dịch sang khu vực tư nhân.

Hãy để bệnh viện được toàn quyền!

Chênh lệch thu nhập lớn, sao giữ chân bác sĩ giỏi bỏ bệnh viện công sang tư? - 1
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên giải trình.

Phiên giải trình trước UB Các vấn đề xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập sáng 3/10, đề cập những mặt trái, những điểm hạn chế bộc lộ trong quá trình thực hiện tự chủ bệnh viện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận, do thời gian thực hiện chủ trương tự chủ chưa dài, ngoài những kết quả bước đầu thì cần hoàn thiện chính sách, pháp luật để nâng cao hiệu quả.

“Chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu. Có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết, ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn” - Bộ trưởng đề cập.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là sự chênh lệch thu nhập do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn; đang có tình trạng chuyển dịch lao động từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm, từ khu vực bệnh viện công sang bệnh viện tư.

Chất vấn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Thuận) cho rằng, đây là chủ trương đúng, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường làm chênh lệch lớn thu nhập giữa bác sĩ bệnh viện công và tư. Điều này khiến một bộ phận bác sĩ xin nghỉ việc ở bệnh viện công để ra làm bên ngoài.

Đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ cho biết sắp tới Bộ có chính sách gì để giữ chân đội ngũ y bác sĩ giỏi ở lại bệnh viện công lập.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận tình trạng do vướng nhiều quy định, có bác sĩ giỏi nhưng không được bổ nhiệm vị trí cao hơn, dẫn đến chán nản, chuyển sang làm tư nhân.

Ngoài ra, việc bác sĩ ra ngoài làm vì lương cao hơn là thực trạng đáng buồn mà ngành y tế phải chấp nhận. Nguyên nhân chính là chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế, nhất là người có chuyên môn, tay nghề cao làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế ở vùng khó khăn chưa tốt. Nhiều người được đào tạo nhưng do thu nhập chủ yếu chỉ có tiền lương, thu nhập tăng thêm thấp hoặc không có dẫn đến có tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế về các đô thị, thành phố lớn, bệnh viện tư...

Về trách nhiệm quản lý, bà Tiến trình bày, Bộ Y tế đã phân cấp, giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư được quyết định đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng. Tuy nhiên, một số nơi, UBND hoặc Sở Y tế vẫn là nơi quyết định việc bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó khoa, phòng của bệnh viện.

“Chúng tôi mong muốn các địa phương hãy để bệnh viện tự chủ hoàn toàn được quyền tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự” - bà Tiến nói.

Tham gia trả lời chất vấn, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa giải thích, thực tế, khi thu nhập của người được tuyển dụng vào thấp quá thì họ sẽ chuyển dịch sang khu vực tư nhân. Bộ Nội vụ sắp trình Chính phủ quy định đãi ngộ, trọng dụng nhân tài. Khi đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp các bộ ngành quy định các đơn vị tự chủ được phép trả lương trên cơ sở hiệu quả công việc, đồng thời có đãi ngộ tốt để giữ chân cán bộ y tế.

Giao tự chủ nhưng không được quyền… tự quyết!

Chênh lệch thu nhập lớn, sao giữ chân bác sĩ giỏi bỏ bệnh viện công sang tư? - 2

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu những kinh nghiệm điều hành một bệnh viện theo cơ chế tự chủ trong thời gian 10 năm ông làm lãnh đạo Bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội) phân tích, việc giảm biên chế, tự chủ tài chính khiến nhân viên y tế không còn trong biên chế nhà nước mà do bệnh viện mà tự trả lương. Mặc dù vậy, theo luật hiện hành, bệnh viện không thể bổ nhiệm cán bộ nếu đó không phải là công chức, viên chức. Ông đề nghị các cơ quan chức năng cho biết biện pháp để tháo gỡ vướng mắc.

Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ) nêu thực trạng, Cần Thơ có 13 bệnh viện tự chủ (2 bệnh viện trung ương, 11 địa phương), đã bộc lộ tồn tại lớn nhất là vướng mắc về giá trần dịch vụ khám chữa bệnh là vấn đề nhân sự.

“Giao quyền tự chủ nhưng các bệnh viện không được tự quyết, mọi chuyện đều phải xin ý kiến”, ông Xuân nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng chia sẻ băn khoăn vì nhiều đồng nghiệp phản ánh việc “có giao tự chủ nhưng không biết tự chủ gì”. Đi giám sát thì thấy nhiều đơn vị cũng than “giao tự chủ nhưng không được tự quyết”, nhất là tự quyết về nhân lực. Nguyên Giám đốc Bệnh viện Huyết học đặt câu hỏi, bao giờ những vướng mắc này được tháo gỡ?

Ngược lại, đại biểu cũng lo 4 bệnh viện đặc biệt lớn hiện được giao quyền tự chủ toàn bộ đang có xu hướng tư nhân hoá. Cách nào ngăn chặn hiện tượng này trong quá trình tự chủ?

Trả lời, Bộ trưởng Y tế nhận xét, các vấn đề đại biểu đặt ra rất sát, đó cũng là chuyện ngành y tế đặc biệt quan tâm.

Về việc tự chủ về bộ máy, nhân lực, Bộ trưởng khẳng định, đây là nguyên tắc hàng đầu đề ra nhưng thẩm quyền xử lý không thuộc về Bộ Y tế mà là Bộ Nội vụ. Bà Tiến cũng nhận định là nên đẩy mức độ tự chủ trong việc này lên cao hơn.

Tư lệnh ngành y tế giải thích, mô hình ưu việt trong khám chữa bệnh cần thiết là 1 bác sĩ phải có 3 điều dưỡng, như thế bệnh nhân mới không cần người nhà chăm sóc, giảm áp lực, quá tải ở bệnh viện. Nhưng thực tế, hiện nay, giờ bệnh viện nào cũng khó tuyển dụng người vì “vướng” trần biên chế, vướng quy định về tinh giản biên chế nên vẫn phải duy trì mô hình 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng chăm sóc nhiều bệnh nhân nên bệnh nhân nào vào viện cũng cần ít nhất 1 người nhà chăm sóc, vất vả, tốn kém mà chất lượng chăm bệnh không thể như điều dưỡng chuyên nghiệp.

Về Nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, Bộ này ủng hộ quan điểm tháo gỡ vướng mắc về bộ máy, nhân sự cho các bệnh viện. Theo đó, quan điểm chung là bệnh viện phải xác định vị trí việc làm, khung trình độ năng lực của từng vị trí ra sao, khi đã có bản mô tả vị trí việc làm, được cấp tỉnh, thành phê duyệt, thì các bệnh viện tự chủ việc tuyển dụng.

Đại biểu Trí tranh luận lại, cần hiểu, chỉ tiêu mỗi năm giảm 10% biên chế phải là nhắm tới giảm người ăn lương từ ngân sách nhà nước nhưng bệnh viện thì vẫn phải là tăng người làm mới tăng quy mô, chất lượng dịch vị được. Thực tế ở viện Huyết học thời ông Trí làm giám đốc, số cán bộ, nhân viên y tế tăng 1.000 người nhưng bệnh viện dùng cơ chế tự chủ, tự chi trả lương thưởng nên số biên chế ăn lương nhà nước vẫn giảm. Ông Trí kêu gọi “đừng nhăm nhăm giảm 10% biên chế để nhắm vào ngành y tế”.

P.Thảo