1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng

(Dân trí) - Trong cơn mưa xuân lất phất và cái lạnh thấu da của ngày đầu năm mới, hàng vạn người dân Thủ đô chen nhau chật kín các đền, chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội buổi sáng ngày Rằm, cầu lộc cầu tài trong Tết Nguyên tiêu.

Tại đền Quán Thánh, một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, suốt cả ngày Rằm tháng giêng hôm qua luôn chật kín người tới dâng hương. Không nằm ngoài những “quy luật” cầu khấn của nhân dân, tại đền Quán Thánh, tiền lẻ vương vãi khắp nơi, thậm chí cả khu vực các linh vật bằng đá cũng ngập tràn tiền lẻ.

Nhiều du khách liên tục vươn người xoa chân tượng lớn trong chùa và xoa tiền lẻ vào thân Phật cầu may. Lợi dụng lượng người đông đúc thăm viếng, dâng hương, bãi gửi xe trước đền cũng thả sức “chém đẹp” người đi lễ với giá gửi xe máy lên đến 10.000đ/xe trong khi giá vé qui định vào đền chỉ có 2.000đ.

 
Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 1

Bãi gửi xe máy trước đền Quán Thánh "chém đẹp" người đi lễ với giá vé 10.000 đồng/xe máy.

Tại chùa Trấn Quốc, không khí làm lễ cầu an cũng sôi nổi không kém. Điểm đặc biệt, người đến đây phần lớn là dân công chức, văn phòng. Chị Nguyễn Thị Vân - kế toán một công ty trên đường Giảng Võ chia sẻ: “Dù hôm nay không phải ngày nghỉ, chị em chúng tôi cũng phải tranh thủ đi lễ. Mà chùa Trấn Quốc này nổi tiếng linh thiêng. Năm nào tôi cũng đến chùa này để xin cầu lộc, cầu an và mong may mắn sẽ đến với gia đình, họ hàng, người thân nhân dịp năm mới”.

Tại cổng chùa, điều đáng ghi nhận là tình trạng bán rùa tai đỏ phóng sinh như mọi năm đã không còn nữa. Thay vào đó, một số người dân bán baba nhỏ để người dân và phật tử phóng sinh với mức giá 30.000 đ/con.

Thượng tọa Thích Thanh Nhã - Ủy viên HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc - cho biết: “Ngày Rằm Nguyên tiêu đã có rất nhiều người dân, bà con phật tử đến chùa cầu an, cầu sức khỏe, cầu tài lộc. Nhưng điều quan trọng nhất mà nhiều người không thể quên đó là ơn nghĩa của đấng sinh thành, là việc báo hiếu với mẹ cha, những người đã khuất”.

Cũng đã thành thông lệ, nhiều người dân Thủ đô đã chọn Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi tổ chức Ngày thơ Việt Nam, làm nơi xin lộc chữ, lộc thơ lấy may đầu năm. Chị Ngô Thu Hương - Thái Thịnh, Đống Đa - trải lòng: “Tôi dẫn cháu nhà tôi lên Văn Miếu xin chữ vừa để treo lấy lộc vừa để rèn cho cháu biết yêu sách, yêu chữ để có ý thức học tập trong năm mới”.

Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại: 

Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 2

Người dân tấp nập đến Văn Miếu Quốc Tử Giám trong ngày Rằm tháng giêng
Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 3

Ba Ba nhỏ được bán để phóng sinh thay cho rùa tai đỏ
Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 4

Người dân hành lễ
Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 5

Tiền lẻ được nhiều người cài cắm trên mình ông tượng voi

Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 6

Đua nhau xoa tiền lẻ vào chân tượng tại đền Quán Thánh.

Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 7

Người dân, phật tử thành tâm hành lễ tại chùa Trấn Quốc.
 

Cần Thơ: Lời khấn nguyện “rợp” cây Bồ đề

 

Tối qua ngày 17/2 (nhằm Rằm tháng Giêng), Chùa Phật học ở nội ô TP Cần Thơ chật kín người chen chân ra vào và cây Bồ đề trong Chùa cũng làm nhiệm vụ “gánh” những lời cầu may.

 

Từ khoảng 18h, khu vực để xe bên hông Chùa Phật học (Đại lộ Hòa Bình) hầu như đã kín chỗ. Ban trị sự Chùa đã phải mở thêm một bãi để xe mới trên đường Nguyễn Thái Học để phục vụ người dân và bãi xe này cũng chật kín.

 

Do đây là ngôi chùa lớn và thuận tiện đường đi nên người dân tới lễ rất đông. Khoảng 20h, nhiều người phải chen chân mới vào được bên trong để thắp hương.

 

Đáng chú ý trong khuôn viên Chùa Phật học có cây Bồ đề khá lớn và đây cũng là nơi để người dân gửi gắm lời khấn nguyện của mình. Theo quan sát của PV Dân trí, các nhánh cây Bồ đề “rợp” những mảnh vải đỏ và những lá Bồ đề giả. Những thứ đó được người dân mua tại chùa rồi ghi trên đó những lời khấn nguyện, những lời cầu an,… Sau khi ghi và cúng Phật xong, họ treo lên nhánh cây Bồ đề.

 

Trò chuyện với PV, Lan - một SV đang học ở ĐH Cần Thơ - cho biết thường đến Chùa Phật học để cầu bình an cho bản thân và gia đình. Lan chia sẻ: “Đến chùa quan trọng là ở cái tâm nên những lời mình cầu nguyện luôn đạt được kết quả tốt đẹp”. Lan vừa nói vừa ghi trên mảnh vải đỏ những lời nguyện rồi treo lên cây Bồ đề.

 

Càng về khuya chùa càng đông người đến thắp hương và cây Bồ đề càng “trĩu” lời cầu nguyện. Được biết, một lá Bồ đề giả hay một mảnh vải đỏ có giá 5.000 đồng.

 

Cũng theo ghi nhận của PV, do không còn chỗ để xe nên nhiều gia đình đến chùa đi 2 người, một người vào thắp hương khấn nguyện, một người ở lại trông xe. Ngoài ra, sự góp mặt của một số người bán nhang chèo kéo khách mua và nhiều người ăn xin ngồi bệt ngay cổng ra vào cũng khiến khu vực cổng chùa hết sức lộn xộn.
 

 

Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 8
Chùa Phật học tấp nập và rực sáng trong đêm Rằm
 
Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 9

Lá bồ đề giả, được bán với giá 5.000đ

Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 10

Cây Bồ đề "trĩu" những lời cầu nguyện

Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 11

Cố gắng treo lời nguyện ước lên cây

Chen chân lên chùa cầu lộc Rằm tháng giêng - 12

Chen chân lễ chùa.


Quốc Đô - Anh Thế - Huỳnh Hải