1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chế chất thải bệnh viện thành xô chậu, bát đĩa

Vỏ chai truyền nước, bơm kim tiêm, can đựng hoá chất... thải từ các bệnh viện ở Hà Nội được thôn đồng nát Triều Khúc mua về, xay nhỏ, chuyển đến các xưởng tái chế nhựa. Riêng găng tay bác sĩ, sau khi giặt lại, đập bột đá, được bán lại với giá 2.500 đồng/đôi cho các bà nội trợ muốn bảo vệ da tay.

>> Hàng trăm tấn rác thải y tế bị "tẩu tán"

 

Cả làng xay rác thải bệnh viện

 

Trong những ngày gần đây, khi dư luận đang hết sức quan tâm tới vụ việc cơ quan Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an phanh phui vụ việc rác thải y tế từ Bệnh viện Việt Đức được tuồn ra ngoài với giá 6.000 đồng/kg; thì ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội),  mọi chuyện vẫn không có gì xáo trộn.

 

Cả làng vẫn tiếp tục thu gom phế liệu, nhựa phế thải để xay như chưa có chuyện gì xảy ra?!

 

Anh Hùng - một người làm thuê cho xưởng nhựa trong thôn - cho biết: “Thì bọn em cũng nghe nói là công an bắt được ở xưởng nhà bà Quý mấy trăm cân rác thải y tế thôi chứ đã trực tiếp nhìn thấy “cái rác thải y tế” mặt mũi thế nào đâu”. Chỉ đến khi PV nói rõ rác thải y tế bao gồm những thứ gì thì anh Hùng mới à lên một tiếng: “Tưởng gì chứ những thứ đó thỉnh thoảng bọn em vẫn bỏ vào máy xay!”.

 

Chủ lò xay nhựa nơi anh Hùng đang làm việc cho biết: “Trước lò nhà tôi cũng mua vỏ chai truyền, bơm kim tiêm nhựa về xay suốt. Giờ trong làng nhiều nhà xay nhựa quá nên mấy thứ đó cũng hiếm, thỉnh thoảng mới có”. Người phụ nữ này còn cho biết thêm, trong làng hầu như nhà nào làm nghề xay nhựa tái chế cũng từng mua rác thải y tế từ các đầu nậu ở bệnh viện về xay.

 

Kể về vụ việc bị cơ quan cảnh sát môi trường lập biên bản vì hành vi thu mua rác thải y tế về tái chế, bà Triệu Thị Quý cho biết: “Gia đình tôi cũng mới làm nghề xay nhựa tái chế được gần 2 năm nay. Lò của tôi chủ yếu xay các loại đồ nhựa cũ hỏng thành dạng hạt rồi bán lại cho người mua. Tuy nhiên, không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết các nhà khác cùng làm nghề xay nhựa ở thôn này đều đã từng mua rác thải y tế”.

 

Chế chất thải bệnh viện thành xô chậu, bát đĩa  - 1

Găng tay bác sĩ đã qua sử dụng, được giặt lại rồi bán ra

thị trường, chủ yếu phục vụ các bà nội trợ.

  

Bà Quý cho biết thêm: “Số rác thải y tế mà cơ quan cảnh sát môi trường lập biên bản tại nhà tôi ngày 10/8 được mua từ một người tên Cảnh - thầu rác tại Bệnh viện Việt Đức - với giá 6.000 đồng/kg vỏ chai các loại và 6.000 đồng/vỏ can nhựa đựng hoá chất hoặc nước cất. Nếu không bị công an tới lập biên bản thì chắc đến giờ tôi vẫn nghĩ rác thải y tế cũng bình thường như mọi loại rác khác!”.

 

Chồng bà Quý nói: “Sau khi thu gom về, chúng tôi chỉ phân loại theo màu sắc của nhựa rồi cho vào xay. Xay xong rửa qua nước rồi đem phơi khô và bán cho các xưởng sản xuất đồ nhựa với giá khoảng 11.000 đồng/kg”.

 

“Điếc không sợ súng”

 

Vợ chồng bà Quý kể lại: “Nói là 55 bao nhưng thực ra hôm đó chúng tôi mua của anh Cảnh có 169 kg rác y tế thôi, còn lại là các loại nhựa phế liệu khác. Sau khi bị lập biên bản và thu giữ một số chai nhựa để làm bằng chứng, số còn lại gia đình chúng tôi đã cho cả vào máy xay…xay nát hết rồi”.

 

“Biết rác thải y tế mang nhiều mầm bệnh mà gia đình bác vẫn xay à?”. “Tiền chúng tôi bỏ ra mua về nên chúng tôi phải xay nốt để bán cho người ta chứ. Mà từ trước đến nay gia đình tôi vẫn xay rác y tế, có làm sao đâu. Giờ cơ quan công an nói là rác thải độc hại thì mới biết!” - chồng bà Quý thản nhiên.

 

“Từ trước đến giờ không biết nên chúng tôi cứ nghĩ đó cũng là phế liệu bình thường như can thủng, chậu vỡ. Ai nghĩ được đó là rác thải độc hại, mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm đến vậy!” - Ông Bắc, một chủ lò xay nhựa ở thôn Triều Khúc cho biết.

 

Ông Nguyễn Duy Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tân Triều - thẳng thắn: “Nghề thu mua đồng nát, phế liệu là nghề truyền thống của người dân trong thôn. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe tải lớn nhỏ chở hàng trăm tấn phế liệu, đồng nát vào thôn nên chính quyền xã chẳng thể nào kiểm soát được hết!”.

 

Trên đường vào thôn Triều Khúc, có hàng chục điểm phơi nhựa đã xay nằm dọc hai bên. Từng đống nhựa vụn nát bị các chủ lò xay bỏ mặc dưới nắng mưa chờ người đến mua. Chị Tâm - một người làm nghề thu mua nhựa phế liệu cho biết: “Nhựa xay vụn được các chủ xưởng sản xuất đồ nhựa mua về, nấu chảy ra, đổ vào khuôn ép thành xô chậu, bát đĩa, lược chải đầu… Nói chung là thành đồ dùng hàng ngày bán cho người dân”.

 

Chị Tâm cho biết thêm: “Còn có những người chuyên thu mua găng tay y tế đã qua sử dụng, đem về giặt sạch bằng nước lã, đập qua bằng bột đá, phơi khô rồi đóng gói bán ra thị trường. Anh không tin cứ lên Văn Miếu - Quốc Tử Giám hỏi mua khắc có”.

 

Quả thật, tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chỉ cần bỏ ra 5.000 đồng là đã có trong tay 2 đôi găng tay y tế bằng cao su đã ngả sang màu vàng. Người phụ nữ bán hàng khẳng định: “Các bà nội trợ mua găng này về rửa bát để khỏi bị xà phòng làm khô tay hoặc quán ăn mua về chế biến thức ăn bảo đảm vệ sinh?!”.

 

Theo Công Thanh

VietNamnet