"Chạy" trường, áp lực từ phụ huynh
Một đường dây <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/8/137591.vip"> chạy vào trường điểm</a> ở TPHCM vừa được phát hiện, đưa công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dư luận không bất ngờ về chuyện này. Các nhà quản lý giáo dục thừa nhận chuyện chạy trường tuy không diễn ra công khai, nhưng cũng nghe dư luận âm ỉ từ lâu!
Tỉ lệ "ngoại giao" trong tuyển sinh cũng tạo ra tiêu cực
Khi được phỏng vấn thì không một hiệu trưởng hay nhà quản lý của ngành giáo dục thừa nhận có chuyện chạy vào các trường được phụ huynh cho là điểm. Tuy nhiên, trước mỗi năm học, không ít trường danh tiếng ở Hà Nội, TPHCM trở thành điểm ngắm của đông đảo phụ huynh HS có thực lực về kinh tế, với một mong muốn con em được rèn trong "lò" chất lượng.
Có hiệu trưởng trường THPT xin được giấu tên cho biết, trong mỗi dịp hè, cô phải dặn người nhà không nghe điện thoại, thông báo vắng mặt với những khách lạ. Tuy nhiên, phụ huynh lại tìm bằng được cách "vượt rào", thông qua việc "săn" các mối quan hệ với hiệu trưởng.
Cô T tâm sự, không ít thư tay, điện thoại gửi gắm, vì vậy, mỗi trường điểm đều phải dành một "tỉ lệ" để... ngoại giao. Chưa kể đến việc BGH trường điểm phân bổ "chỉ tiêu" cho giáo viên trong trường được bảo lãnh một số HS. Điều này tạo thành đường dây chạy trường- tuy không chính thức.
Tại Hà Nội, chuyện phụ huynh chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn để con em mình có thể vào được trường điểm, trường chất lượng cao là có thật, tuy không diễn ra công khai. Thường việc chạy trường này được thực hiện thông qua "cò" hoặc qua các mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Có thể kể ra vài ví dụ về việc chạy trường này được truyền tai nhau như: Tiểu học Kim Liên: 10 "vé", THCS Lê Ngọc Hân: 7 "vé", THCS Ngô Sĩ Liên: 10 "vé"... Tuy nhiên, khi được hỏi thì không một BGH nào khẳng định có chuyện "mất tiền mới được vào trường".
Bà Ngô Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết: "Nhà trường không bao giờ làm việc đó, nếu có chuyện ai đó phải mất tiền thì việc đó chắc chắn diễn ra bên ngoài nhà trường".
Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho biết: Do áp lực từ phía cấp trên và các quan hệ đối nội, đối ngoại, trường cũng có chế độ ưu tiên cho con ruột, cháu ruột của giáo viên trong trường, có thể đây là những kẽ hở để nảy sinh tiêu cực.
Về việc này, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết: Chúng tôi cũng chỉ mới biết vụ việc qua mặt báo và nghe dư luận âm ỉ chứ thông qua những đợt thanh kiểm tra thường niên của sở thực hiện mỗi đầu niên học, không hề có bằng chứng cụ thể để xử lý kỷ luật người vi phạm.
Song, động thái đầu tiên của sở trước thông tin chạy vào trường Lê Quý Đôn là đã lập ngay đoàn thanh tra riêng để điều tra lại toàn bộ sự việc. Song song đó, cũng kết hợp với cơ quan Công an PA25 để điều tra vụ việc.
Một dạng của bệnh thành tích
Trả lời câu hỏi của phóng viên, có ý kiến cho rằng, việc chạy trường cũng là một dạng của "bệnh thành tích" mà trong đó có cả phần lỗi chủ quan của ngành nhưng cũng có thêm sự thuận tình của nhiều phụ huynh, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM không ngần ngại: Có thể nói câu nhận định này nêu đúng thực tế.
Có thể hiểu, những tiêu cực nói chung bao giờ cũng xuất phát từ hai phía, bởi phải có "cầu" thì mới có "cung". Song, nhận định này khiến đau lòng những người làm ngành giáo dục chân chính quá. Có thể, ban đầu việc nhờ vả và biết ơn chỉ là những "món quà tinh thần". Song khi có quá nhiều người cùng mua thì điều hiển nhiên phải có giá.
Nhưng nhìn một cách sâu xa hơn thì điều này chính là hệ lụy của một thời chúng ta đầu tư trường lớp và giáo viên chưa tốt. Chỉ có một số trường tốt nằm chủ yếu ở trung tâm thành phố. Khi đó, phụ huynh mới đua nhau chen chân vào các trường này để mong con mình có một chỗ khả dĩ để học... Từ đó mới sinh chuyện chạy trường.
Nói về biện pháp để hạn chế việc chạy trường, ông Giám đốc Sở GDĐT TPHCM nói: Riêng với vụ việc đang được dư luận quan tâm tại trường Lê Quý Đôn thì hiện ngành đã có thanh tra của ngành, cùng phối hợp với cơ quan công an để làm rõ vụ việc.
Tất cả mọi thông tin, xin chờ kết luận từ phía đoàn thanh tra sau khi họ hoàn thành nhiệm vụ. Còn những biện pháp khắc phục, từ nhiều năm qua, Sở GDĐT TPHCM đã và đang hoàn thiện dần qua từng năm học, đó là nâng cao cơ sở vật chất của các trường bên cạnh việc chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, để chất lượng giáo viên sẽ ngày càng nâng cao và ngang bằng giữa các khu vực trong trung tâm cũng như ngoại thành. Khi đó, từ cơ sở vật chất đến giáo viên đều như nhau thì sự hơn kém trong học tập sẽ do tự thân học sinh quyết định.
Ngoài ra, từ niên học này, Bộ GDĐT đang đổi mới kêu gọi việc dạy và học tại trường phổ thông không chạy theo thành tích, mà phải là chất lượng đào tạo thực tế từng con người. Thiết nghĩ, khi những khâu này cùng được thực hiện đồng bộ, hy vọng khi đó việc "chạy trường" sẽ tự bị tiêu diệt.
Theo L.Huân - Đ.Hạnh - T.Uyên
Lao Động