1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hải Phòng:

Cháy tàu trên biển, chỉ có thể… đứng nhìn (!?)

(Dân trí) - Tại khu vực cảng biển Hải Phòng thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy tàu biển và các phương tiện thủy nội địa. Khi xảy ra cháy ở vùng biển, lực lượng chức năng rất lúng túng, thậm chí phải triển khai các phương án mạo hiểm vì không có phương tiện chữa cháy chuyên dụng.

Đưa tàu cháy vào bờ dập lửa

 

Vụ việc mới nhất vừa xảy ra ngày 17/8/2013 khiến lực lượng chức năng phải có một quyết định mạo hiểm: Đưa một con tàu hóa chất đang cháy từ ngoài biển vào bờ để dập lửa, trong khi những hóa chất bị cháy là loại cực độc.

 

Đó là trường hợp của con tàu RBD BOREA, quốc tịch Cyprus, phát cháy từ một container chứa hoá chất phốt pho.  Nhận tin báo cháy, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng như Trung tâm phối hợp CN hàng hải khu vực I, Sở cảnh sát PCCC Hải Phòng, Biên phòng Hải Phòng… điều động nhiều phương tiện ra ứng cứu. Tuy vậy, tất cả các đơn vị trên đều không có phương tiện chuyên dụng để có thể dập tắt đám cháy từ ngoài biển.

 

Các cơ quan chức năng Hải Phòng đành chọn phương án mạo hiểm là đưa tàu RBD BOREA về khu vực cảng biển Hải Phòng để tiến hành dập lửa.
 
Lực lượng chữa cháy chỉ biết đứng trên bờ phun nước dập lửa

Lực lượng chữa cháy chỉ biết đứng trên bờ phun nước dập lửa

 

Từ 14h ngày 17/8 đến 9h ngày 18/8, tàu RBD BOREA di chuyển từ phao số 0 về bến Gót (Cát Hải - Hải Phòng) rồi cảng Đoạn Xá để lực lượng chữa cháy của Sở cảnh sát PCCC xử lý đám cháy. Công tác chữa cháy tiến hành liên tục trong gần 1 ngày. Tới 14 giờ ngày 18/8 đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

 

Phốt pho là loại hóa chất cực độc, rất dễ cháy (không cần nguồn nhiệt phát sinh, chỉ cần rò rỉ ra không khí là lập tức cháy). Vụ cháy này chỉ xuất phát từ 1 thùng trong tổng số gần 1.000 thùng phuy đựng 240 tấn phốt pho trên tàu, nhưng lực lượng chức năng ở Hải Phòng và Cục cảnh sát PCCC đã phải điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia dập lửa. Nếu gần 1.000 thùng phuy còn lại bắt cháy ở khu vực cảng Hải Phòng, chắc chắn sẽ tạo nên một thảm họa môi trường.

 

Thành phố Hải Phòng chưa mua nổi nửa con tàu

 

Với chiều dài gần 11 km, cảng Hải Phòng là hải cảng lớn nhất miền Bắc. Năm 2012 có gần 15.000 lượt tàu biển ra vào các cảng tại Hải Phòng thì chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2013 có 15.900 tàu biển ra vào cảng. Bên cạnh những hàng hóa thông thường, Cảng Hải Phòng có tới 11 bến cảng xăng, dầu, khí hóa lỏng và các sản phẩm dầu mỏ, trên 200 phương tiện thủy nội địa vận chuyển xăng, dầu.

 

Nhắc đến câu chuyện trang bị tàu chữa cháy, Đại tá Lê Quốc Trân - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hải Phòng - so sánh: “Thành phố Hồ Chí Minh đã trích kinh phí địa phương trang bị cho Sở Cảnh sát PCCC 2 con tàu chữa cháy trị giá mỗi tàu 52 tỷ đồng. Chúng tôi đã đề xuất và được Bộ Công an đồng ý đầu tư cho lực lượng PCCC Hải Phòng mua 1 con tàu với hình thức 50/50 tức Bộ đầu tư 50%, số còn lại địa phương hỗ trợ. Tuy vậy, khi Sở Cảnh sát PCCC đề xuất, TP Hải Phòng đã họp nhưng chưa thể quyết định vì thiếu kinh phí”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Giám đốc cảng vụ Hải Phòng - cho rằng, với mức độ phát triển nhanh, lượng phương tiện, hàng hóa thông qua cảng không ngừng tăng như hiện nay thì việc trang bị phương tiện chữa cháy trên biển cho lực lượng PCCC là một nhu cầu bức thiết.
 
Điều tàu chữa cháy trên sông ra biển dập lửa
Điều tàu chữa cháy trên sông ra biển dập lửa

 

Đại tá Lê Quốc Trân chia sẻ câu chuyện, ông từng phải “cân não” khi quyết định rất mạo hiểm là đưa tàu chữa cháy vốn chỉ có khả năng đi trên sông lao ra biển cứu cháy. Đó là vụ việc xảy ra cuối năm 2012, tại khu vực phao số 0 Hải Phòng. Tàu chở hàng mang tên Shunchen đang neo đậu đã bị cháy làm chết 1 người.

 

Lực lượng PCCC được điều động nhưng không có phương tiện chuyên dụng chữa cháy trên biển mà chỉ có lực lượng PCCC trên sông với 2 con tàu nhỏ. Tình thế cấp bách ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh cảng biển và uy tín của Việt Nam trước nước bạn, 15 cán bộ, chiến sĩ sử dụng tàu chữa cháy trên sông đã lao ra... biển.

 

“Rất may hôm đó trời yên, biển lặng nên chiếc tàu chữa cháy vốn chỉ có thể hoạt động trên sông đã tiếp cận được tàu cháy ở giữa biển. Sau hơn 2 giờ, đám cháy trên tàu Shunchen được dập tắt mà không gây sự cố gì cho cán bộ, chiến sĩ. Nếu không chắc chắn tôi bị kỷ luật nặng” - Đại tá Lê Quốc Trân chia sẻ.

 

Thu Hằng