1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cháy ở khu dân cư phức tạp, nhiều nơi thanh tra làm "qua loa, chiếu lệ"

Hà Mỹ

(Dân trí) - Chính phủ cho biết công tác quản lý về phòng cháy chữa cháy có lúc bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm qua loa, chiếu lệ.

Nội dung trên được đề cập trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát của Quốc hội khóa XIV từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. Đây là nội dung được thảo luận tại phiên họp ngày 18/9. 

Trong đó, Chính phủ nêu chi tiết việc thực hiện Nghị quyết số 99 năm 2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC). 

Số liệu cho thấy giai đoạn 2020-2022, lực lượng công an đã kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ với trên 2 triệu lượt cơ sở, phát hiện khoảng 1,4 triệu tồn tại, thiếu sót; ban hành khoảng 190.000 công văn kiến nghị chủ cơ sở khắc phục.

"Điều này góp phần loại trừ hàng triệu nguy cơ phát sinh cháy nổ, sự cố, tai nạn", Chính phủ khẳng định.

Cháy ở khu dân cư phức tạp, nhiều nơi thanh tra làm qua loa, chiếu lệ - 1

Các nạn nhân tử vong được đưa ra khỏi hiện trường vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, rạng sáng 13/9 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ đã tổ chức kiểm tra 124.000 lượt cơ sở, lập 124.000 biên bản kiểm tra, phát hiện 49.000 tồn tại, thiếu sót và kiến nghị khắc phục.

Cơ quan chức năng cũng quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6.230 trường hợp, tạm đình chỉ 846 trường hợp, đình chỉ hoạt động 1.650 trường hợp.

"Cháy, nổ mặc dù đã được kiềm giảm nhưng cháy, nổ tại các khu công nghiệp, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người (quán karaoke, quán bar...) còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người", theo báo cáo của Chính phủ.

Trong đó, các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện (sau công-tơ) tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Đồng thời, ý thức của một bộ phận người dân trong quản lý, sử dụng điện an toàn vẫn chưa cao. 

Chính phủ cũng nhìn nhận các quy định hiện hành về bảo đảm an toàn PCCC (sau công-tơ) còn thiếu, chưa cụ thể, chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. 

"Việc quản lý nguồn gốc, chất lượng, chứng nhận kiểm định đối với các thiết bị tiêu thụ điện trên thị trường hiện nay còn nhiều bất cập. Công tác quản lý Nhà nước về PCCC và cứu hộ cứu nạn có nơi, có lúc bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách", theo báo cáo.

Đáng lưu ý, Chính phủ nêu thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm "qua loa, chiếu lệ". Cùng với đó, nguyên nhân các vụ cháy chưa được phân tích để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm khắc. Chế tài xử phạt cũng chưa đủ răn đe. 

Qua các đợt tổng kiểm tra và rà soát trên toàn quốc, lực lượng chức năng nhận thấy nhiều cơ sở không chấp hành nghiêm quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ gây nguy cơ cao mất an toàn cháy, nổ. 

Cháy ở khu dân cư phức tạp, nhiều nơi thanh tra làm qua loa, chiếu lệ - 2

Chính phủ nêu thực trạng thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm ở các công trình còn "qua loa, chiếu lệ", có nơi buông lỏng quản lý (Ảnh: Ngọc Tân).

Để khắc phục các tình trạng trên, Chính phủ nêu một số giải pháp như củng cố, xây dựng lực lượng dân phòng, phòng cháy chữa cháy cơ sở, phòng cháy chữa cháy chuyên ngành thực sự là nòng cốt trong công tác PCCC khu dân cư và cơ sở.

Cùng với đó, nhiệm vụ đặt ra là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, cứu nạn cứu hộ. Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ cho các công trình, cơ sở hiện hữu trong áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC tại thời điểm đưa vào hoạt động

Ngoài ra, Chính phủ sẽ coi trong công tác thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy; chỉ đạo khắc phục dứt điểm các hạn chế, thiếu sót về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy; tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy.