Thống đốc Ngân hàng: Không quy định nào có thể xử lý triệt để sở hữu chéo
(Dân trí) - "Nếu chờ quy định xử lý triệt để sở hữu chéo thì không bao giờ có. Các văn bản quy phạm pháp luật phải giúp hoạt động của doanh nghiệp, người dân ngày càng minh bạch", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Sở hữu chéo và xử lý nợ xấu là vấn đề được các đại biểu quan tâm, trao đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 18/9.
Tại đây, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng và cho rằng tình trạng sở hữu chéo tại ngân hàng thương mại là vấn đề còn nan giải.
"Nội dung này có tác động gì đến chính sách trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và đặc biệt là có sự tác động, ảnh hưởng gì đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế không?", ông Tới đặt câu hỏi và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào thông qua việc sửa đổi Luật.
Cùng đề cập nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua thẩm tra Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, vấn đề sở hữu chéo đã được kiểm soát tốt. Một số trường hợp vi phạm cũng đã bị xử lý.
Dù vậy, ông Thanh cho biết còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh xây dựng cơ chế, quy định để xử lý dứt điểm việc thao túng, chi phối sở hữu chéo đối với các cổ đông, nhóm cổ đông lớn.
Đồng thời, còn nhiều băn khoăn việc mở rộng các đối tượng có liên quan, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần hay giảm giới hạn mức tín dụng có xử lý được dứt điểm được tình trạng sở hữu chéo hay không.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, quy định mở rộng hay thu hẹp đối tượng đều có tác động đến nền kinh tế, thị trường chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài. Việc này cũng ảnh hưởng đến cả việc tài trợ nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần Nhà nước đối với các dự án trọng điểm quốc gia.
Vì vậy, ông Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu vấn đề trên. Ông cũng nhấn mạnh để xử lý được dứt điểm những vấn đề sở hữu chéo, cần các biện pháp đồng bộ cùng nhiều giải pháp về chính sách khác.
Cần bức tranh lớn về vai trò điều tiết thị trường của nền kinh tế
Giải trình thêm về nội dung trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sở hữu chéo và thao túng "sân trước sân sau" là vấn đề các cấp có thẩm quyền quan tâm.
Theo bà Hồng, trên hồ sơ, sở hữu chéo cơ bản được khắc phục. Nhưng trên thực tế, tổ chức và cá nhân vẫn có thể thống kê hộ về sở hữu cổ phần hoặc thành lập các doanh nghiệp để vay vốn của ngân hàng. Qua điều tra các vụ việc vừa qua, vấn đề này đã được phát hiện.
Vì vậy, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan để tham mưu Chính phủ thiết kế một nhóm giải pháp để giảm hiện tượng này.
Một trong số đó là mở rộng phạm vi, khái niệm có liên quan, cũng như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, bà Hồng nhắc lại ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh về việc vấn đề này còn nhiều ý kiến băn khoăn, khi không biết quy định này có thể xử lý triệt để vấn đề chống sở hữu chéo, chống thao túng và chống "sân trước sân sau" hay không.
Cùng với đó, có ý kiến lo ngại nếu quy định mở rộng đối tượng, nhưng doanh nghiệp hay cá nhân vẫn cố tình nhờ người khác đứng tên, thì vấn đề vẫn không thể xử lý được. Thực tế, ngay cả khi ở Ngân hàng Nhà nước xảy ra tình trạng này, đơn vị vẫn chỉ có thể nhờ cơ quan điều tra vào cuộc.
Dù vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng "nếu chờ có một quy định xử lý triệt để thì sẽ không bao giờ có". Theo bà Hồng, không chỉ ở Luật Các tổ chức tín dụng, mà cả trong văn bản quy phạm pháp luật khác hay lĩnh vực khác, quy định phải làm sao khiến hoạt động của doanh nghiệp và người dân ngày càng minh bạch.
Nêu thêm quan điểm về ý kiến cho rằng quy định trong Luật nội dung này sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, tăng chi phí, bà Hồng nhấn mạnh nếu đặt vấn đề ưu tiên cho phát triển chứng khoán thì không được quy định. Nhưng ngược lại, mục tiêu của việc xây dựng quy định này là đảm bảo an toàn hệ thống và kiểm soát được những rủi ro.
"Thị trường chứng khoán lúc nào cũng phát triển rất nhiều do các yếu tố khác nhau và các thành viên tham gia thị trường chứng khoán hầu hết là doanh nghiệp, cá nhân. Cho nên phân tích tác động cũng cần bức tranh lớn hơn về vai trò điều tiết thị trường kinh tế, ngay cả việc các tổ chức tín dụng phải tăng chi phí để điều tiết", theo bà Hồng.