Cháy lớn cháy nhỏ, người đứng đầu đơn vị PCCC đều phải có mặt
(Dân trí) - Trước những vụ cháy nổ thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng người dân xảy ra thời gian gần đây, ngày 22/11, Quốc hội thông qua Luật PCCC (sửa đổi) quy định khi xảy ra cháy, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát PCCC phải có mặt tại hiện trường.
Luật cũng quy định, khi xảy ra cháy, người có chức vụ cao nhất của đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có mặt tại nơi xảy ra cháy với vai trò là người chỉ huy chữa cháy.
Với những cơ sở kinh doanh sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình liền kề. Việc xuất, nhập, vận chuyển sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ phải tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy.Luật quy định chợ, trung tâm thương mại phải tách riêng hệ thống điện phục vụ kinh doanh và hệ thống điện bảo vệ và chữa cháy; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có lối thoát nạn bảo đảm theo quy định và phương án thoát nạn, giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra… Chủ hộ kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ phải trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ.
Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có phương án phòng cháy và chữa cháy cho toàn khu, xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy phù hợp với phương án phòng cháy và chữa cháy. Các đơn vị này cũng phải thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
Đối với công trình cao tầng phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra, bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra.
Các công trình phải trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy, không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy.
Công trình ngầm, đường hầm, hầm lò khai thác khoáng sản phải trang bị phương tiện để phát hiện và xử lý khí cháy, khí độc; phải có hệ thống thông gió, giải pháp chống cháy lan và các điều kiện bảo đảm thoát nạn an toàn, triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, tài sản và chữa cháy.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, chủ rừng, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ đối với cơ sở, thôn, rừng, phương tiện giao thông.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xây dựng, thực tập phương án chữa cháy cho khu dân cư, cơ sở do mình quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan vụ cháy tại Zone 9 UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu Công an thành phố và UBND quận Hai Bà Trưng khẩn trương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ cháy khiến 6 người chết tại “Hợp tác xã Zone 9”, số 9 Trần Thánh Tông. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội giao Công an thành phố cùng Sở Cảnh sát PCCC, UBND quận Hai Bà Trưng và các ngành liên quan làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ cháy. Các đơn vị phải khẩn trương điều tra xử lý nghiêm, làm gương cho các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố. UBND thành phố yêu cầu các sở ngành cùng các quận huyện xác định rõ trách nhiệm đơn vị chủ quản; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về an toàn, phòng chống cháy nổ. Trước đó, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội - cho biết, việc xử lý trách nhiệm trong vụ Zone 9 sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở kết luận điều tra nguyên nhân vụ cháy. |
Quang Phong