“Chạy” bằng lái xe để… ăn Tết
Càng cận Tết, không khí tại các Trung tâm Đào tạo lái xe ôtô tại ĐBSCL càng tất bật. Có mặt suốt 4 ngày tại Trung tâm Đào tạo kỹ thuật giao thông Long An (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa), PV đã ghi nhận nhiều điều mà không phải ai cũng biết…
Vừa sát hạch vừa lên xe hoa
Hơn 22h ngày 7/1, anh Trí (nhà trên đường Hoàng Văn Thụ, phường An Hội, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) mới tới lượt nhận xe để vào giờ tập 10 bài hình tại Trung tâm Đào tạo kỹ thuật giao thông Long An.
Anh kể, vừa thi tốt nghiệp tại Trường Trung học GTVT miền Nam (Cần Thơ) hôm 2/1 vừa rồi, sang ngày hôm sau là anh khăn gói cùng các học viên lớp B2 K5 để tới trung tâm này chuẩn bị cho ngày thi sát hạch bằng xe cảm ứng. Do ở Trường Trung học GTVT miền Nam dạy anh bằng xe ôtô tải Trường Hải (loại 1.200kg), trong khi đó thi sát hạch tại Trung tâm Đào tạo kỹ thuật giao thông Long An lại là xe ôtô loại Toyota Zace 7 chỗ nên các thầy tại Trường Trung học GTVT miền Nam "khuyến cáo" là phải đăng ký làm quen xe, sân sát hạch ít nhất 3 giờ đồng hồ/học viên.
"Mỗi giờ thuê xe, sân là 220.000 đồng. Thôi kệ, mấy tháng trời đi học, còn có mấy ngày và tốn mấy trăm ngàn là xong nên gần như ai cũng "hăng hái" đăng ký thuê giờ chạy thử", anh Trí kể.
Theo quy định, qua 10 bài hình, nếu điểm chấm trên máy còn 80 thì đủ điểm… "qua cầu". Tuy nhiên, nhiều học viên sau 3 giờ tập, thức trắng cả đêm để chờ tới giờ mình chạy có khi "lúc đạt, lúc không". Khi qua bài cuối mà đèn tín hiệu trên xe báo đỏ là mặt mày rũ rượi. Nhiều người muốn đăng ký thêm giờ để chạy nhưng Trung tâm không còn giờ rảnh để sắp xếp. Thế là nhiều người đành chấp nhận "hên xui", chờ tới giờ sát hạch chính thức… Cũng có người may mắn "tranh thủ" được Trung tâm sắp xếp cho làm quen sân ngay từ sáng sớm 8/1.
Chính vì "máy chấm" nghiêm túc như thế nên nhiều học viên dù đang bận bịu với công việc cuối năm vẫn gác lại tất cả để dồn sức vào kỳ sát hạch. Trong số hàng trăm học viên mà chúng tôi gặp tại Trung tâm mấy ngày qua, có trường hợp khá đặc biệt. Đó là chị Tr. Chị là cán bộ của một ngành thuộc quận Ninh Kiều. Có chiếc Ford nhà chồng tặng trước ngày thành hôn nên chị càng quyết tâm lấy bằng trước Tết. Một năm trời có một ngày tốt nhất. Thật chẳng biết nói sao khi ngày 7/1 lại là ngày gia đình 2 bên chọn làm lễ thành hôn.
Vậy là trước 1 ngày lên xe hoa, chị Tr. vẫn phải thu xếp lên Trung tâm để cùng ăn, cùng thức, cùng tập... Tập tới chiều tối, chị lại vọt về Cần Thơ, nhảy vào tiệm trang điểm để làm… cô dâu, lên xe hoa. Chiều 7/1, khách khứa hai họ còn bộn bề, chị lại nhờ "tài xế đặc biệt" là chồng mới cưới đưa chị vượt chặng đường hơn 120km lên Long An để luyện. Và trưa 8/1, người ta cũng thấy "cô dâu" Tr. ngày hôm qua có mặt trên sân sát hạch...
Những con số trước giờ G
Một giáo viên của Trường Trung học GTVT miền Nam cho tôi biết, năm 2008, Trường đào tạo được 4 khóa và hầu hết đều được Sở GTVT chọn sát hạch tại Long An. Trung bình mỗi học viên đều đăng ký 3 giờ chạy để "làm quen" xe, sân trước giờ sát hạch; tính ra 120 học viên phải chi phí cho tiền phát sinh này gần 70 triệu đồng. Nếu tính luôn các khoản chi phí khác như ăn, nghỉ trước sát hạch và phí các môn sát hạch, bình quân mỗi học viên phải tốn thêm khoảng 3 triệu đồng - cao hơn học phí của khóa đào tạo gần 300.000 đồng.
Một sát hạch viên thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ kể thêm, ngoài Trường Trung học GTVT miền Nam, tại Cần Thơ còn có Trường Dạy nghề số 9 (QK9), Trường Kỹ thuật nghiệp vụ vận tải ĐBSCL và Trung tâm Đào tạo nghề thuộc Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ. Trung bình, mỗi trung tâm đào tạo như thế có từ 3 - 4 khóa đào tạo bằng B2/năm và cũng đều đổ dồn về sân cấp 1 tại Long An để sát hạch do Cần Thơ chưa có trung tâm sát hạch nào cả.
Từ nay đến trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, Sở GTVT TP Cần Thơ còn tổ chức 2 lần sát hạch bằng B2 tiếp theo (khoảng 200 học viên) cũng tại Trung tâm Đào tạo kỹ thuật Long An này.
Theo Binh Huyền
Công an nhân dân