1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cháu bé bị mẹ cắt gân trở về gia đình: Canh cánh nỗi lo!

(Dân trí) - Những vết thương trên cơ thể bé Hảo do bị mẹ bạo hành đã lành theo thời gian. Sắp tới đây, cháu bé sẽ trở về với gia đình sau 6 năm xa cách. "Về với gia đình" luôn là một cụm từ bao hàm hạnh phúc, nhưng với trường hợp của bé Hảo thì vẫn còn canh cánh nỗi lo.

Bé Hảo vui vẻ ở Trung tâm nuôi dưỡng Người già tàn tật và Trẻ em mồ côi huyện Lộc Ninh.

Vụ án Nguyễn Thị Mỳ (ngụ tại xã Đức Hạnh, huyện Phước Long (nay là huyện Bù Gia Mập), tỉnh Bình Phước) bạo hành con gái xảy ra từ năm 2008, đến nay đang dần khép lại theo hướng của một đoạn kết có hậu. Theo đó, sau khi thụ án 2 năm tù giam và hết thời gian hạn chế quyền nuôi dưỡng bé Hảo vì tội cắt gân tay chân con, ngày 3/3/2015, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mỳ và ông Nguyễn Văn Tước đã được Tòa án Nhân dân huyện Bù Gia Mập gửi quyết định trao lại quyền nuôi dưỡng đối với bé Hảo.

Sau 5 năm sống tại Trung tâm nuôi dưỡng Người già tàn tật và Trẻ em mồ côi huyện Lộc Ninh, Bình Phước, theo dự kiến, ít ngày nữa bé Hảo sẽ trở về với gia đình. Vợ chồng bà Mỳ chia sẻ: “Sau nhiều năm tháng đau khổ, đây là niềm vui lớn nhất của gia đình chúng tôi. Bé Hảo trở về, vợ chồng tôi sẽ có cơ hội để chăm sóc, bù đắp những lỗi lầm đã gây ra cho con bằng chính tình thương của mình”.

Nhưng với những người cha, người mẹ thứ 2 của bé Hảo thì vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm 2013, bé Hảo đã được Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần, TPHCM giám định và kết luận cháu bị chậm phát triển tâm thần mức độ trung bình kèm rối loạn tâm thần và suy giảm đáng kể về hành vi; rối loạn phát triển ngôn ngữ và lời nói. Từ đó đến nay, cháu đang phải dùng thuốc điều trị theo hướng tâm thần. Trên thực tế, việc học của bé Hảo đã phải ngưng lại do cháu thường quậy phá khi đến trường và rất chậm tiếp thu.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại Trung tâm nuôi dưỡng, dù đã 11 tuổi nhưng Hảo vẫn chưa thể tự lo được cho bản thân. Nhiều bữa ăn cháu vẫn phải nhờ đến sự chăm sóc của các bảo mẫu. Cháu đang tập phụ giúp những công việc nhỏ như quét dọn nhà cửa, thu dọn đồ của cá nhân, tự vệ sinh cơ thể… nhưng gần như Hảo chỉ làm theo sở thích của mình, ít khi nghe lời người lớn.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, chia sẻ: “Thật khó để Hảo tự bước đến một tương lai tươi sáng khi cháu không thể hòa nhập và tiếp thu khi đến trường. Cháu cần được chăm sóc tốt nhất khi về với gia đình song đây là khó khăn rất lớn bởi điều kiện kinh tế khó khăn của cha mẹ và 3 anh chị của Hảo cũng bị bệnh tâm thần. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm giải pháp hiệu quả nhất để giúp bé Hảo và gia đình bà Mỳ để họ có một tương lai tốt đẹp hơn”.

Vân Sơn