1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Cháu bé 6 tuổi tử vong vì uống “thuốc” rễ cây rừng

(Dân trí) - Thấy con có dấu hiệu sốt cao, người phù nề... gia đình đưa đi bệnh viện điều trị có đỡ đưa về nhà bị đau lại. Thấy vậy, ông nội cháu bé vào rừng lấy rễ cây về sắc cho cháu uống. Một ngày sau cháu tử vong.

Cháu bé 6 tuổi tử vong vì uống “thuốc” rễ cây rừng  - 1
Nhúm rễ, lá cây rừng được gia đình cháu Lữ Văn Cà đưa cho BV Nhi Nghệ An xét nghiệm. (Ảnh: M.H)
Nạn nhân là cháu Lữ Văn Cà (6 tuổi, trú xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An). Sau hơn một tuần điều trị ở Bệnh viện huyện Quỳ Châu và BV Nhi - Nghệ An, cháu Cà đã tử vong vào sáng ngày 20/5.

Theo gia đình, trước đó vào khoảng ngày 13/5, cháu Lữ Văn Cà có dấu hiệu sốt cao, người phù nề... Gia đình đưa cháu vào BV huyện Quỳ Châu điều trị. Sau hơn ba ngày được các bác sĩ chăm sóc, chạy chữa, bệnh tình của cháu Cà có chiều hướng giảm, gia đình đưa về nhà điều trị.

Nhưng sau đó một ngày, cháu Cà bỗng dưng lên cơn đau bụng quằn quại. Thương cháu, ông nội đã vào rừng lấy một nắm thân và rễ cây về làm thuốc sắc lấy nước cho cháu uống. Vừa uống thuốc vào, Cà lịm dần và mất hết khả năng nhận biết.

Thấy vậy, gia đình tức tốc bắt xe khách vượt gần 200km đưa bệnh nhi xuống BV Nhi (TP Vinh) cấp cứu. Cháu Cà nhập viện trong tình trạng mơ hồ về nhận thức, phù hai mí mắt, da bị nổi xuất huyết, một ngày đêm không đi tiểu.

 

Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy cháu Lữ Van Cà bị ngộ độc, tình trạng hết sức nguy kịch. 8h30 phút sáng ngày 20/5, cháu Cà tử vong.
 

Các bác sĩ cho biết thứ chất độc có trong mớ rễ cây rừng mà gia đình cho cháu Lữ Văn Cà uống rất nguy hiểm, làm bệnh nhân tan máu nhanh, suy hô hấp rất nhanh, dẫn đến tử vong.

 

Hiện nay nhiều đồng bào dân tộc miền núi vẫn có thói quen sử dụng rễ, thân, lá cây rừng làm thuốc chữa bệnh bất chấp những độc tố không ngờ có thể ẩn trong đó.
 
Đặc biệt, một số loại lá như: lá móc diếu và lá lộc mại (loại cây thường được trồng để làm hàng rào ở các gia đình miền núi) là loại cây nguy hiểm cho sức khoẻ nhưng người dân vẫn hay dùng để ăn, có thể gây tan máu, suy thận và tử vong.  

Theo một số cán bộ y tế, cái khó nhất hiện nay trong việc điều trị ngộ độc lá rừng là không xác định được độc tố gây bệnh nên rất khó tìm ra được chất đối kháng để cấp cứu bệnh nhân. Bên cạnh đó là khó khăn từ việc người nhà bệnh nhân không hợp tác đưa loại lá, rễ cây đến để xét nghiệm; việc xác định độc chất trong các loại cây, rễ, lá rừng mất nhiều thời gian.
 

Các bác sĩ cảnh báo: Giải pháp hiệu quả nhất vẫn là tuyên truyền cho người dân, trong đó nòng cốt là y tá thôn bản và tuyên truyền ở các trường lớp học. Người dân cũng cần phải nắm được thông tin để khi có triệu chứng nguy hiểm thì chuyển ngay bệnh nhân đến trạm xá hoặc các cơ sở chữa bệnh có uy tín để điều trị, không điều trị theo thầy lang, thầy cúng khiến bệnh nhân nặng thêm.

 

Nguyễn Duy - Mỹ Hà