1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Chật vật sống trong vùng sạt lở

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Hơn 1 km bờ biển bị sóng đánh tan hoang, đe dọa cuộc sống của hàng chục hộ dân tại vùng biển bãi ngang thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Ảnh hưởng liên tiếp của những cơn bão trong năm 2020 đã làm cho bờ biển thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) bị sạt lở hơn 1 km, xâm thực sâu vào đất liền gần 10m.

Chật vật sống trong vùng sạt lở - 1

Những cơn bão liên tiếp cuối năm 2020 đã khiến hơn 1 km bờ biển tại thôn Hà Lộc (Núi Thành, Quảng Nam) bị sạt lở.

Người dân nơi đây phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, hàng chục ngôi nhà ven biển đang trong cảnh bị sạt lở đe dọa.

Sau thiên tai, người dân chật vật khôi phục cuộc sống, nhưng với họ nỗi ám ảnh mang tên "sạt lở" vẫn đang chực chờ.

Chật vật sống trong vùng sạt lở - 2

Hiện trạng sạt lở ăn sâu vào đất liền gần 10m.

Đang đắp nền để làm lại quán nước bị sóng đánh sập sau bão số 9 (tháng 10/2020), ông Nguyễn Văn Hội (người dân thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cho hay, sau bão, hơn 1 km bờ biển tại vùng bãi ngang thôn Hà Lộc bị sóng đánh tan hoang, ăn sâu vào đất liền gần 10m, nhiều nơi tạo hàm ếch sâu từ 3-5m.

Chật vật sống trong vùng sạt lở - 3

Hơn 20 hộ dân tại đây bị ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, nhiều hộ dân có nguy cơ bị đe dọa nếu sạt lở tiếp tục lan dần.

Theo ông Hội, những ngày sau bão, nhiều người dân phải tự bỏ tiền để thuê các xe chở đất đá, hoặc đóng cọc tre, tôn xi măng để gia cố bờ cát. Nhưng hiện chỉ có các cơ sở nước đá gần ngay sát nơi sạt lở còn trụ lại để sản xuất, nhiều hộ dân lo ngại sạt lở sẽ tiếp diễn nên đã sơ tán đến nhà người quen ở tạm.

Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân tại thôn Hà Lộc.

"Hơn 20 năm nay chưa khi nào sạt lở nghiêm trọng như vậy, mọi năm biển chỉ ăn sâu vài mét rồi bồi lấp lại. Sau bão số 9 đến cuối tháng Giêng năm nay biển vẫn có sóng lớn đánh liên tiếp nên người dân rất lo sợ, gần đây tạm yên mới dám đổ đất đá gia cố bờ cát. Chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến mùa mưa bão, chúng tôi cứ sống trong phập phồng lo sợ sạt lở sẽ tiếp tục lấn sâu vào đất liền. Hy vọng chính quyền có giải pháp kịp thời để ổn định cuộc sống cho người dân", ông Hội lo lắng.

Chật vật sống trong vùng sạt lở - 4

Một công trình đang xây dựng của người dân bị sóng lớn, mưa to liên tiếp gây sạt lở, hư hại nặng.

Những trận bão liên tiếp đã khiến 50m đất dọc bờ biển của gia đình ông Nguyễn Tiến Hồng (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) bị xói lở, sóng biển ăn sâu vào đất liền gần 10m và tạo hàm ếch hơn 2m. Ngôi nhà của gia đình ông nằm chênh vênh bên bờ cát hướng ra biển.

Chật vật sống trong vùng sạt lở - 5

Hiện người dân đang làm mọi biện pháp để tạm ổn định cuộc sống như kè bằng cọc tre, tấm tôn xi măng, đổ đất đá để gia cố…

Để kè tạm, ông Hồng đã phải mua gần 300 cây tre về đóng cọc gia cố bờ cát. Sau khi đóng cọc, sẽ trải bạt rồi đổ đất đá đảm bảo chắc chắn hơn. Theo ông Hồng đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì chỉ cần mấy đợt sóng mạnh có thể cuốn đi bất cứ lúc nào.

"Ngôi nhà của tôi luôn chực chờ sụp đổ bất cứ lúc nào, đêm cũng không dám ngủ sâu, cứ thấp thỏm không yên. Mấy hôm nay biển động nên sóng đánh khá cao, nhiều đợt tiến gần sát điểm sạt lở cũ. Sống trong cảnh "sóng liên tục vỗ bờ, sạt lở chực chờ", tôi chỉ mong có giải pháp cấp bách giúp người dân", ông Hồng than thở.

Chật vật sống trong vùng sạt lở - 6

Khi mùa mưa bão chỉ còn vài tháng nữa, người dân hy vọng chính quyền sớm có biện pháp khắc phục để người dân an tâm sinh sống.

Cách điểm sạt lở chừng 3m, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Tâm (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) luôn trong tình trạng nguy hiểm. Những cơn bão liên tiếp năm 2020 không những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thôn Hà Lộc, mà còn là những người dân sống phụ thuộc vào vùng biển bãi ngang này.

Chật vật sống trong vùng sạt lở - 7

Vùng bãi ngang tại thôn Hà Lộc là bãi ngang lớn nhất tỉnh Quảng Nam, hằng ngày thu hút hàng trăm tàu cá chở hải sản vào đây buôn bán nhưng tuyến đường dẫn xuống biển hiện bị hư hại gây khó khăn cho người dân.

Theo bà Tâm, bãi biển thôn Hà Lộc là chợ cá bãi ngang lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Vào mùa hè, hàng trăm tàu thuyền cập bờ đưa hải sản vào đây bán, tuy nhiên gần đây những tuyến đường xuống biển bị sóng cuốn trôi nên người dân phải rất vất vả mỗi khi gánh, vận chuyển hải sản lên xuống nơi đây.

Theo ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch xã Tam Tiến, trước đây sạt lở có xảy ra ở thôn Hà Lộc nhưng mức độ không nghiêm trọng; sau các cơn bão của năm 2020 mức độ sạt lở ở đây trở nên nghiêm trọng.

Chật vật sống trong vùng sạt lở - 8
Chật vật sống trong vùng sạt lở - 9

Tại các bãi biển thuộc TP Hội An đang áp dụng việc gia cố bằng bao tải cát và cọc tre để bảo vệ bờ biển, trước khi chính quyền có biện pháp hiệu quả hơn.

"Địa phương đã kiến nghị lên cấp trên xin kinh phí xây dựng kè chống sạt lở, làm đường ra bãi biển cho thôn Hà Lộc để người dân an tâm sản xuất, dễ dàng vận chuyển hải sản đi tiêu thụ, xây dựng phát triển quê hương", ông Uy cho hay.

Quảng Nam có đường bờ biển 125km, những đợt mưa bão liên tiếp cuối năm 2020 gây sạt lở hàng km bờ biển. Ngoài thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến, Núi Thành), bãi biển Cửa Đại, An Bàng, Thịnh Mỹ (TP Hội An) và bãi biển Cửa Lở (xã đảo Tam Hải, Núi Thành) cũng bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh kế của người dân.

Chỉ còn vài tháng nữa sẽ bước vào mùa mưa bão, người dân tại ven biển Quảng Nam mong muốn sớm có biện pháp kè biển, khắc phục hiệu quả tại các điểm sạt lở để đảm bảo đời sống và an sinh cho người dân.