“Chất vấn để làm rõ trách nhiệm chứ không phải đánh đố nhau”
(Dân trí) - “Khi chất vấn, điều kiện thời gian được tranh luận, trao đổi càng nhiều để làm sáng tỏ vấn đề thì càng tốt. Vì bản chất của chất vấn là làm rõ vấn đề, làm rõ trách nhiệm chứ không phải đánh đố nhau”, đại biểu Lê Đông Phong (TPHCM) nêu quan điểm.
Cử tri chờ đợi vì Tổng Thanh tra Chính phủ mấy năm mới trả lời chất vấn 1 lần nên cần những câu hỏi và trả lời cụ thể, mạnh mẽ hơn. Ví dụ như đại biểu đặt câu hỏi, cử tri quan tâm tới tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung. Qua theo dõi phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, ông đánh giá thế nào?
Tôi nghĩ Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời như thế cũng phù hợp với thẩm quyền của cơ quan thụ lý trong thời điểm hiện nay đối với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Nếu thẩm quyền thuộc cơ quan như thế thì Tổng Thanh tra không thể trả lời thay được.
Nhưng dường như do thời gian eo hẹp hay cách thức tổ chức, nên đại biểu không có thời gian tranh luận, đi đến tận cùng vấn đề (và với tất cả các Bộ trưởng)?
Khi chất vấn, điều kiện thời gian được tranh luận, trao đổi càng nhiều để làm sáng tỏ vấn đề thì càng tốt. Vì bản chất của chất vấn là làm rõ vấn đề, làm rõ trách nhiệm chứ không phải đánh đố nhau. Vấn đề là làm rõ trách nhiệm để làm cho tốt hơn. Cử tri sẽ thỏa mãn hơn với các vấn đề làm sáng tỏ ở các phiên chất vấn.
Trong các phiên chất vấn, người đứng đầu ngành cũng đã đưa ra rất nhiều giải pháp, theo ông, giải pháp nào quan trọng nhất trong việc hạn chế giải quyết khiếu nại tố cáo kéo dài?
Cái chính là tiêu chí để phân biệt như thế nào để kéo dài và tái khiếu nại đó hợp lý hay không hợp lý. Nó từ nhiều góc độ như nhận thức từ công dân, từ sự rõ ràng của pháp luật hoặc từ nhận thức và áp dụng pháp luật của người có thẩm quyền.
Mình phải phân loại như vậy thì mới xác định cái nào thuộc về phần chủ quan có thẩm quyền mới giải quyết cho rõ được. Còn nếu thuộc về nhận thức pháp luật không đầy đủ thì nó có cả vấn đề giáo dục pháp luật.
Vậy với những giải pháp của Tổng Thanh tra chính phủ đưa ra, theo ông có khả thi và thực hiện triển khai khiếu nại tố cáo được không?
Tôi thấy Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời rất đầy đủ và toàn diện các vấn đề đại biểu nêu vấn đề. Tôi nghĩ cử tri cũng đồng tình với ý kiến của Tổng Thanh tra về những giải pháp đưa ra. Và đây cũng là chủ trương rất rõ ràng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, thanh tra Chính phủ và tổng thanh tra có trách nhiệm làm công tác tham mưu để giải quyết vấn đề đó.
Theo số liệu thống kê thì số vụ khiếu kiện ngày càng giảm và tỷ lệ được giải quyết ngày càng tăng, như vậy có chuyển biến rồi. Nếu tiếp tục triển khai các giải pháp được thanh tra chính phủ đưa ra thì khiếu nại, tố cáo sẽ tiếp tục giảm.
Xin cảm ơn ông!
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Tôi đánh giá cao sự thẳng thắn trong phần trả lời của Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, kể cả những vấn đề nhạy cảm như khối tài sản lớn của người đứng đầu ngành thanh tra, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian ngắn trên 60 người. Những tồn tại này đang được xử lý. Ông đã không né tránh, đã nhận trách nhiệm của mình. Làm được thế này rất là tốt. Tuy nhiên, trong ngành thanh tra phát hiện ra tham nhũng còn ít so với thực tế. Phần lớn những vụ việc bị phanh phui là nhờ các cơ quan thông tấn báo chí, dư luận, sự tố cáo của nhân dân. Biện pháp thu lại khi phát hiện ra tham nhũng cũng thấp. Do đó, ngành thanh tra phải nâng cao chất lượng hoạt động để phát hiện ra tham nhũng. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời tương đối rõ ràng vấn đề, vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra để chất vấn cũng rất thẳng thắn. Theo tôi như thế là được, vì có những vấn đề cũng không thể trả lời ngay được. Ví dụ như vấn đề tổng tài sản của nguyên tổng thanh tra Chính phủ. Đây là điều thuộc về địa phương xem xét. Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Tôi thấy Tổng Thanh tra Chính phủ là người trả lời có chất lượng. Tất cả những thông tin ông đều đáp ứng cho mọi người. Đương nhiên có những cái không thuộc thẩm quyền của ông thì ông không thể nói vượt quá được. Nhưng từ góc độ thông tin, tôi thấy Tổng Thanh tra Chính phủ nắm chắc vấn đề và đáp ứng được những câu hỏi mà đại biểu nêu ra. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Cách trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ, riêng với câu hỏi của tôi là rõ ràng. Thứ nhất, có chuyện không chuyển các án mà chủ yếu xử lý hành chính, cái này đồng chí thừa nhận và đồng chí hứa tới đây sẽ phối hợp với công án để xử lý tồn tại này. Tôi đang chờ thực hiện lời hứa của đồng chí. Thứ hai, đồng chí cũng trả lời thẳng việc thất thoát do thu ngân sách, đồng chí chưa quan tâm lắm, chưa làm và tới đây hứa sẽ làm. Thứ ba, trong công tác cán bộ, đồng chí thừa nhận sai lầm. Rõ ràng là có cái chưa đủ năng lực, chứng chỉ, việc bổ nhiệm vội vàng. Một cơ quan bộ trong một lúc bổ nhiệm 60 người là quá nhiều, đặc biệt với lĩnh vực thanh tra như đồng chí nói là yêu cầu cán bộ thanh tra có năng lực, có tâm, có tầm, nói chung là chí công vô tư. Thế nên trong một cơ quan bộ lấy đâu ra một lúc 60 người như thế. Công tác cán bộ nếu không thực hiện sát sao sẽ còn liên quan tới tiền, tới tiêu cực. Cho nên, đồng chí thừa nhận và tôi cho rằng với câu hỏi của tôi, tôi thấy được. Còn xét về tổng thể, câu hỏi của các đại biểu đặt ra cũng rõ ràng, sắc sảo. Còn về phần trả lời, một số chỗ Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời còn chưa rõ, nên mới khiến đại biểu hỏi lại và khi hỏi lại đồng chí đã trả lời được. |
Nguyễn Hiền