Chặt trụi rừng phòng hộ để khai thác titan
Với cái lý tận thu khoáng sản trước khi xây dựng công trình, chỉ trong một thời gian ngắn, gần 20ha rừng phòng hộ ven biển tại xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã bị chặt trụi để lấy mặt bằng khai thác quặng titan.
Người dân phản ứng kịch liệt
“Từ ngày có mấy chiếc máy xoắn này, dân chúng tôi cảm thấy không yên lòng. Ai đời rừng phòng hộ như thế mà đi chặt trụi. Ngay cả gốc cũng nhổ sạch trơ cả nền cát...” - ông Lê Đình Nam (thôn Phú Đông, xã Tam Phú), dẫn chúng tôi đi thực địa, nói giọng đầy bức xúc.
Thiếu cây xanh, cả dải cát này lóa nắng nhức mắt: tất cả 20ha phi lao sau khi chăm trồng được 5 năm thuộc địa phận hai thôn Phú Đông và Phú Bình của xã Tam Phú đã bị đốn sạch. Việc này được giải thích là dành đất cho dự án khai thác titan.
“Mấy năm trước khi dự án trồng rừng chưa có, dân ở đây không ai chịu nổi thời tiết khắc nghiệt, nhất là lúc giao mùa. Mùa đông gió từ biển thổi thốc vào lạnh thấu xương, còn mùa hè cát theo gió bay ngút cả mặt người. Có khi cát thổi trắng cả trời, lấp hết ruộng vườn. Khoảng bốn năm trở lại đây nhờ có rừng mà khí hậu được cải thiện” - ông Nam tâm sự. Tuy không xanh tốt như những cánh rừng nằm sâu trong đồng bằng, nhưng những cánh rừng phòng hộ ven biển này đã làm tốt chức năng của nó suốt mấy năm qua đó là ngăn chặn nguy cơ sa mạc hóa các vùng ven biển. “Cũng nhờ có nó mà một phần nguồn nước ngầm trong đất được giữ ổn định. Giờ họ chặt sạch mất rồi” - ông chép miệng...
Việc tàn sát rừng phi lao phòng hộ bắt đầu từ năm 2006. Đến cuối 2006, hai trong ba tổ máy tuyển cát bắt đầu đi vào khai thác. Chỉ trong một tuần, cả vùng đất này bị cày xới và hơn 70 tấn quặng titan đã được hút, sàng lọc đưa lên mặt đất. Quá xót xa trước cảnh môi trường sống bị đe dọa, người dân Tam Phú kịch liệt phản ứng và hàng chục hộ dân đã làm đơn gửi khắp nơi cầu cứu.
Có phép... tàn sát rừng (!)
Theo quyết định cấp phép của UBND tỉnh Quảng Nam ký ngày 14/11/2006, dự án khai thác titan tại xã Tam Phú được giao cho Công ty cổ phần Vạn Thông thực hiện trên diện tích 17,9ha, trữ lượng khoáng sản dự kiến 11.340 tấn. Thời hạn khai thác là hai năm kể từ ngày cấp phép. Ngoài việc nộp thuế, phí bảo vệ môi trường, giấy phép buộc đơn vị khai thác phải có nhiệm vụ đóng góp 1,6 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng tại địa phương (trên thực tế việc xây dựng đường điện hạ thế trị giá 1,1 tỉ đồng mà Công ty Vạn Thông bỏ ra chỉ để phục vụ việc khai thác quặng).
Cũng theo quyết định này, làm đến đâu, đơn vị khai thác phải thực hiện ngay việc hoàn thổ, phục hồi môi trường, trồng lại cây xanh đến đó theo phương pháp cuốn chiếu. Thế nhưng trên thực tế, đơn vị này thẳng tay triệt hạ toàn bộ diện tích rừng trồng đã được thỏa thuận trước đó với địa phương mà không cần đến quyết định cấp phép của UBND tỉnh. Điều đáng nói là toàn bộ số diện tích cấp phép này đều nằm trọn trong dự án trồng rừng trên cát ven biển Nam Trung bộ (còn gọi là Pasca) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ không hoàn lại.
Vì sao việc khai thác titan lại diễn ra ngay trên hệ rừng phòng hộ? Trả lời câu hỏi này, ông Dương Chí Công - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Nam - cho rằng: “Chủ trương của tỉnh là nơi nào có công trình thì nơi đó được phép tận thu khoáng sản. Bởi nơi đây đã được qui hoạch thành khu cải táng của Khu kinh tế mở Chu Lai”.
Tuy nhiên, chính ông Công cũng thừa nhận rằng việc khai thác titan sẽ làm thay đổi kết cấu đất. Cái sai của dự án này là phá rừng trước khi được cấp thẩm quyền cấp phép và phá không theo phương án được duyệt (cuốn chiếu). Chính vì lẽ đó mà ngay khi dự án khởi động, người dân đã kịch liệt phản ứng bởi họ biết chắc mất rừng phòng hộ sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm trong đất, cát di chuyển và chính họ sẽ là người gánh chịu tất cả thiệt hại đó.
Được biết, Bộ Nông nghiệp và PTNN đã có công văn khẩn yêu cầu tỉnh Quảng Nam chấm dứt ngay việc khai thác titan trên diện tích rừng dự án, đồng thời phải khẩn trương phục hồi, tái tạo cây trồng trên diện tích gần 20ha (thuộc dự án Pasca) đã bị chặt phá trước đó.
Vì sao tỉnh Quảng Nam lại đồng ý cấp phép khai thác khoáng sản ngay trên hệ rừng phòng hộ ven biển vốn là công trình hữu nghị mà Chính phủ Nhật Bản ưu ái dành cho các tỉnh miền Trung? Và khi nào thì những cánh rừng phòng hộ này được tái tạo trở lại đúng như kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNN?... Đó là những điều người dân bức xúc.
Được biết, ngoài rừng phòng hộ ven biển Tam Phú, nhiều hệ rừng phòng hộ khác ở Duy Hải, Duy Xuyên cũng nằm trong thảm cảnh này.
Theo Đăng Nam
Tuổi Trẻ